Đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong sáu tháng đầu năm 2023 tỉnh có hơn 9.800 người lao động bị mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 5.500 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương; hơn 20.000 người lao động bị cắt giảm giờ làm và hàng chục nghìn người lao động phải nghỉ phép năm vì doanh nghiệp không có đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm giới thiệu Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm giới thiệu Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cùng với đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 10.560 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng mất việc, giảm giờ làm… dẫn đến thu nhập giảm trong khi giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng làm cho đời sống của người lao động nói chung và công nhân nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Tại nhiều khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, khá nhiều người lao động, công nhân đang phải sống lay lắt, mong mỏi tìm được việc làm mới, một số người lao động đã phải trở về quê hương do không cầm cự nổi nữa. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thị trường việc làm từ nay đến cuối năm 2023 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục giảm lao động, giải thể, phá sản. Tình trạng thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày...

Trước thực trạng này, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc, đưa người lao động quay trở lại công việc. Bên cạnh chính sách trợ cấp thất nghiệp, người lao động tham gia tổ chức công đoàn sẽ nhận được gói hỗ trợ khi bị tạm ngừng việc, mất việc.

Các cấp công đoàn cũng đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, công nhân. Công đoàn các khu công nghiệp đã yêu cầu các công đoàn cơ sở thường xuyên báo cáo tình hình, giám sát việc giải quyết các chế độ cho người lao động, công nhân, nhất là về bảo hiểm xã hội, tiền lương… nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, công nhân. Ngoài kinh phí công đoàn, tổ chức Công đoàn cũng đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động, công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Để phát triển thị trường việc làm, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung-cầu lao động. Trung tâm giới thiệu Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng kết nối cung-cầu lao động, sớm đưa người lao động trở lại làm việc. Khi người lao động đến đăng ký thất nghiệp, Trung tâm sẽ tư vấn, giới thiệu việc làm mới.

Trong đó, Trung tâm có giải pháp nhằm bảo đảm có cơ cấu phân bổ lao động, việc làm hợp lý trên toàn tỉnh; tạo việc làm ở khu vực nông thôn, vùng xa để người lao động có thể làm việc tại địa phương mình sinh sống. Đồng thời, tăng cường việc phối hợp với các đơn vị tuyển dụng, lập danh sách người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để giới thiệu đến các đơn vị tuyển dụng.

Trung tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyển dụng trên website của trung tâm và văn phòng đại diện tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để người lao động biết, tìm kiếm việc làm phù hợp. Song song đó, Trung tâm tư vấn, khuyến khích người lao động đăng ký học nghề để có nhiều sự lựa chọn công việc…

Cùng với đó, các phiên giao dịch việc làm đang được đẩy mạnh nhằm kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động, công nhân đang tìm kiếm việc làm, đồng thời liên kết, hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề nhằm nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Trung tâm giới thiệu Dịch vụ việc làm tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung-cầu trực tuyến cho người lao động để kết nối thị trường lao động; tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm công việc phù hợp. Ngày 4/8 vừa qua, phiên giao dịch việc làm trực tuyến lần đầu được tổ chức, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố lân cận, đã giúp người lao động và nhà tuyển dụng dễ gặp nhau hơn.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến này có điểm cầu chính tại thành phố Vũng Tàu cùng 10 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Qua đó, người lao động ở Bà Rịa-Vũng Tàu không cần phải tới tận nơi như trước mà vẫn ứng tuyển được, tìm việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…

Hình thức này giúp các địa phương trong khu vực chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lao động cung ứng cho doanh nghiệp, đồng thời, người lao động có nhiều sự lựa chọn về việc làm trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.

Với dự báo thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, các chuyên gia lao động cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt kịp thời nhu cầu, biến động của thị trường việc làm, sự dịch chuyển lao động… để kết nối có hiệu quả giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trong đó, cần đa dạng hóa phương thức tiếp cận, kết nối cung-cầu lao động; kết nối các địa phương trong khu vực để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lao động; hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động.