Đồng chủ trì có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; điểm cầu trực tuyến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, nhất là về hạ tầng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm.
Tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố… Riêng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 Luật, 2 Nghị quyết quy phạm; 1 Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 Nghị quyết điều hành kinh tế-xã hội.
Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng kinh doanh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Việc xây dựng ban hành Luật, Nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Thời gian qua, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn những vấn đề cần phải điều chỉnh nhiều hơn để khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ mà cả thế giới đang hướng tới và chúng ta phải đi theo. Trên thực tế, cuộc chạy đua giữa các nước chính là khoa học công nghệ vì tình trạng cạn kiệt tài nguyên, xung đột, chiến tranh, già hóa dân số, biến đổi khí hậu khắc nghiệt…
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế là đòi hỏi khách quan. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị là hết sức đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng đề nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các Luật, Nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống; đồng thời điểm một số kết quả đã đạt được, những khó khăn trong quá trình triển khai một số Luật đã được Quốc hội thông qua trong khóa XV này; lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai; đặc biệt là rút kinh nghiệm trong quá trình này để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thủ tướng cũng nêu rõ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cũng là một nội dung quan trọng cần phải quán triệt. Nhấn mạnh, thời gian thì ít, yêu cầu thì cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, do đó Thủ tướng đề nghị tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới, trình bày báo cáo ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, chú trọng một số vấn đề:
Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật; giữa xây dựng số lượng pháp luật với chất lượng của pháp luật; bảo đảm pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm bằng, công minh, nhất quán, kịp thời hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi các vấn đề quan trọng, đề xuất giải pháp khả thi, thiết thực, góp phần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan nhằm: tiếp tục nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các Luật, Nghị quyết như: công tác tổ chức triển khai còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức...
Quang cảnh hội nghị. |
* Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nêu cao trách nhiệm, chủ động và quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật.
Trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo sát sao thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đẩy mạnh công tác rà soát hệ thống pháp luật, chú trọng vào lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập, kịp thời đề xuất các dự án luật mới, sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu chủ động trong phản ứng chính sách.
Thường trực Chính phủ, Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp, phiên họp (thường kỳ và chuyên đề) để xem xét chặt chẽ, thảo luận kỹ lưỡng về các đề nghị xây dựng, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và có kết luận cụ thể bằng văn bản với tinh thần trách nhiệm cao (từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề pháp luật).
Lãnh đạo Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách từ thực tiễn cần có phản ứng chính sách phù hợp.
Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 Luật, Nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 470 Nghị định, Quyết định quy phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án Luật, dự thảo, đề nghị xây dựng Luật, Nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật; đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 Quyết định cá biệt, 19 Chỉ thị, 64 Công điện và 8.398 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan,
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị. |
Song song với công tác xây dựng pháp luật, nhằm nâng cao kết quả thi hành pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật với nhiều giải pháp đồng bộ như: tại các phiên họp chuyên đề, bên cạnh công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực tổ chức thi hành pháp luật; sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Trên cơ sở đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, danh mục văn bản và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết để triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết để sớm đưa các quy định của Luật, Nghị quyết đi vào cuộc sống (tính đến ngày 25/7/2024, đối với 36 luật, nghị quyết đã có hiệu lực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành); đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội; chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới trụ sở 63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Chính phủ quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai, thi hành luật, nghị quyết; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế; Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế về công tác pháp chế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng. Đột phá phải gắn với hiệu quả, mà hiệu quả gắn với sự phục vụ của nhân dân. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Thủ tướng nêu rõ, cần phải phát huy tính đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Việc tổ chức thực hiện phải đổi mới sáng tạo, hiệu quả.
Nhấn mạnh thể chế phải đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng khái quát “5 tạo lập” của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; Tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực của đất nước hiệu quả, phù hợp đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực, từng cấp, từng ngày; Tạo lập “sân chơi” lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực, điều tiết hài hòa lợi ích phát triển với nhau; Tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; Tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.
Về kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để có sự thống nhất, có sự lãnh đạo của Đảng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm thời gian và chất lượng. Chấn chỉnh tình trạng “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết (đến 25/7/2024, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành); Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế - đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Thủ tướng khẳng định, đầu tư cho xây dựng pháp luật, thể chế là đầu tư cho phát triển.
Về tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nêu rõ, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế, chưa được lạm phát triệt để; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn khá phổ biến; công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa chưa được triển khai mạnh mẽ; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa có giải pháp đột phá, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là các địa phương; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ; một số cán bộ có trách nhiệm chưa tập trung nhiều công sức, thời gian, trí tuệ cho công tác này…
Thủ tướng nêu rõ, điều cơ bản và quan trọng nhất là người đứng đầu có quan tâm hay không cho công tác này. Người đứng đầu phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết là yếu tố quan trọng nhất, mang yếu tố quyết định. Chúng ta phải bám sát thực tiễn vì thực tiễn đi trước cuộc sống; bám sát, cuộc sống, nhu cầu, mong muốn của nhân dân, nắm rõ những cái vướng mắc cần phải vượt qua; trong quá trình làm thực hiện theo tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo, Bộ trưởng, Trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng mạch lạc, công minh, dân chủ.
Thực hiện “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đã đề ra; Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật; Đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; Đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền hợp lý, phù hợp, khả thi, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm hấp dẫn, mạch lạc, để “dân biết, dân hiểu, dân làm, dân hưởng ứng”.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong thời gian tới: thống nhất với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần rà soát, nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật; Ban cán sự đảng Chính phủ với Đảng, đoàn Quốc hội phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên hơn, bao trùm, tổng thể, kịp thời; có các cuộc họp định kỳ, đột xuất, sử dụng phương thức tổ chức hội nghị vừa trực tiếp, trực tuyến. Các Ủy ban của Quốc hội, các bộ phải chủ động phối hợp từ sớm, từ xa; Chính phủ số vấn đề gì còn vướng mắc, chúng ta cần thảo luận dân chủ, tôn trọng, thuyết phục. Các địa phương cũng chủ động rà soát vướng mắc từ thực tiễn, đề xuất trong tháng 8 này những vấn đề vướng mắc, cấp bách cần phải sửa để gửi về Chính phủ kịp tập hợp, nghiên cứu thực hiện các quy trình của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn; bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức,
Chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, vướng mắc. Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban nhân dân với Hội đồng nhân dân, chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết.
Về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng đề nghị việc phối hợp đã tốt rồi thì tốt hơn nữa, chặt chẽ rồi thì chặt chẽ hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: tiếp tục đóng góp ý kiến, tăng cường giám sát. phản biện; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành pháp luật; thực hiện phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án…
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, Thủ tướng mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị này sẽ là bài học, kinh nghiệm quý; những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp, qua đó, đưa công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.