Nhờ đổi mới, đất nước ta mới có ngày hôm nay: Đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố; vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên gấp nhiều lần, tạo tiền đề để nhân dân ta tiếp tục phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Từ tình trạng thiếu thốn đủ thứ, phải phân phối theo tem phiếu, phải xếp hàng dài trước các cửa hàng mậu dịch, đến nay sản xuất trong nước đã đáp ứng được hầu hết các nhu yếu phẩm thiết yếu của nhân dân và của nền kinh tế quốc dân với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đẹp. Khẩu hiệu phấn đấu “khách hàng là thượng đế” đang dần trở thành hiện thực.
Từ một nước nông nghiệp là chủ yếu, song trong rất nhiều năm liên tục vẫn là nước thiếu lương thực trầm trọng, nhờ đổi mới chính sách kinh tế, “cởi trói” để nông dân làm chủ ruộng đồng, chỉ hai năm sau, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và đến nay trở thành nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới.
Từ một nền kinh tế chủ yếu gồm hai thành phần là quốc doanh và tập thể đã chuyển mạnh sang kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm huy động tối đa nội lực của toàn dân tộc cũng như tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài.
Cùng với đó, đời sống của phần lớn nhân dân được cải thiện rõ rệt, một bộ phận trở thành giàu có.
Và không thể không nói đến những thành tựu trong công tác đối ngoại. Chúng ta đã phá được thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, mở rộng và đẩy mạnh công tác đối ngoại theo phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” và góp phần quan trọng tạo vị thế, uy tín quốc tế của nước ta chưa bao giờ cao như hiện nay.
Vui mừng trước những thành tựu mà công cuộc đổi mới mang lại, song nhân dân ta vẫn băn khoăn lo lắng, thậm chí bất bình trước thực trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, mức độ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ngày càng tăng, càng trầm trọng với mức độ ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Nghiên cứu các văn kiện Đại hội từ khi đổi mới đến nay cho thấy:
Tại Đại hội VII, tức một nhiệm kỳ sau Đại hội VI đề ra đường lối đổi mới, bắt đầu xuất hiện cụm từ “một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất”. Đến Đại hội VIII nó "lớn" lên thành “một bộ phận” và đến Đại hội IX là “một bộ phận không nhỏ”. Đến Đại hội XII Đảng ta chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”.
Mặc dù Trung ương đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, nhằm đấu tranh ngăn chặn, nhưng tình hình đó không giảm đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài này. Từ sau Đại hội XII, nhất là sau Hội nghị T.Ư 4, mỗi khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư họp, công bố những sai phạm của tổ chức, cá nhân cùng nhiều vụ việc được đưa ra xét xử công khai, minh bạch đã thu hút các tầng lớp nhân dân quan tâm hăng hái vào cuộc. Đã xuất hiện những tập thể, cá nhân công khai tên tuổi cá nhân, tổ chức mình khi tố cáo, phát hiện những tiêu cực, của các cán bộ có chức, có quyền mà không sợ “đấu tranh tránh đâu”. Những nhân tố mới đó báo hiệu: cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang dần dần trở thành phong trào của toàn dân và thành xu thế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài cuộc và lò đã nóng củi tươi cũng phải cháy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn chúng ta: Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Song cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cách mạng chỉ thành công khi hội tụ đủ hai yếu tố đó. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã mang lại kết quả bước đầu. Để duy trì và phát triển cần có nhiều biện pháp và quyết tâm hơn nữa. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Chủ trương một, biện pháp 10, quyết tâm 20”.
Một trong những biện pháp cần làm ngay là cán bộ phải công khai tài sản trước khi được bổ nhiệm, nhất là đối với những người phụ trách các ngành, nghề, lĩnh vực nhạy cảm với đồng tiền, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện vai trò giám sát theo luật định qua ý kiến nhận xét của nhân dân tại địa bàn dân cư cũng như tại cơ quan cán bộ đó công tác.
Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, đòi hỏi sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Với Đảng, đây thật sự là một nhiệm vụ quan trọng để loại trừ “quan tham” làm trong sạch Đảng, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Bài học thứ hai mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu: Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Rất mong rằng mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí có trọng trách lớn, các ngành, các cấp quán triệt bài học đó trong cuộc chiến chống “nội xâm” đầy cam go và phức tạp hiện nay.