Đẩy mạnh cải cách hành chính ở Đồng Nai

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với bộ máy từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện” phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa.
Ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện” phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa.

Đáng chú ý là tình trạng người lãnh đạo đứng đầu một số nơi ở cơ sở còn thiếu quan tâm, thậm chí lơ là nhiệm vụ thuộc lĩnh vực đột phá này.

Những chuyển biến nổi bật gần đây

Tại Đồng Nai mấy năm gần đây, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn được duy trì ở mức cao với tỷ lệ hơn 96%; hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh phục vụ công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp từng bước được nâng cấp, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cải thiện đáng kể, trung bình toàn tỉnh đạt 71,4%, một số sở, ngành, địa phương đạt hơn 90%; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở cả ba cấp đạt hơn 98%; công tác kiểm tra cải cách hành chính, công vụ được tăng cường thực hiện qua từng năm.

Nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính của địa phương có chuyển biến tích cực. Trong tám tháng năm 2024, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cấp sở đạt 99,6%; cấp huyện đạt 98,4%; cấp xã đạt 99,3%...

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố quyết liệt trong thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 6/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, điều hành thực hiện hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, việc đưa vào hoạt động mô hình “Chính quyền thân thiện” được chính quyền các cấp quyết tâm hoàn thành.

Tính đến cuối tháng 8, toàn bộ 170 xã, phường, thị trấn của tỉnh Đồng Nai đã đưa vào hoạt động mô hình “Chính quyền thân thiện” nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, trong quá trình thực hiện mô hình, nhiều địa phương còn áp dụng những cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động như: Dành một giờ buổi sáng vì dân; làm hết việc, không hết giờ; dân cần, cán bộ tiếp tục phục vụ… góp phần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ “mệnh lệnh hành chính” chuyển sang “phục vụ người dân, doanh nghiệp”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Phong Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, là địa bàn có diện tích lớn nhất của thành phố Biên Hòa, với dân số hơn 70 nghìn người, để thực hiện xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”, địa phương huy động cả hệ thống chính trị hành động theo phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Trước khi được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”, phường Tân Phong đã áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ người dân như: Thực hiện mô hình “60 phút vì dân-thân thiện hành chính” từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút vào ngày thứ hai hằng tuần; Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói, đã được đánh giá cao và sự đồng thuận, ghi nhận của người dân.

Cần chấm dứt thái độ vô cảm, hành động nửa vời

Các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính và thực tiễn kiểm tra cho thấy công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Đáng quan tâm, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại nhiều địa phương, đơn vị thiếu quyết liệt. Tình trạng giao khoán cho cấp phó, cho cán bộ tham mưu giúp việc diễn ra nhiều nơi, nhất là tại cấp huyện, xã.

Biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm giữa các phòng, ban chuyên môn tại cấp huyện dẫn đến chậm trễ trong công tác cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp xảy ra ở không ít địa phương.

Việc thực hiện trách nhiệm công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng quy định. Trong khi đó, công tác giám sát, theo dõi, kiểm tra cải cách hành chính tại nhiều ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chưa thường xuyên, liên tục.

Trước thực trạng nêu trên, đẩy mạnh cải cách hành chính thường xuyên, liên tục, triệt để vẫn là yêu cầu cấp bách.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức.

Tỉnh tiếp tục quán triệt về trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Điều này xuất phát từ thực tế các địa phương, đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện nhưng có nơi mang tính đối phó trên giấy.

Năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai giám sát, một số nơi trưởng ban chỉ đạo giao cho cấp dưới, bởi không thấy hết tầm quan trọng của vấn đề, sau giám sát tình hình đã được chấn chỉnh.

Tỉnh thực hiện linh hoạt, hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp mới trên các lĩnh vực như: Mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính” trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: “Chúng ta xây dựng chính quyền thân thiện vì dân phục vụ, phục vụ doanh nghiệp, nâng chỉ số PAPI, CPI để làm gì? Đó chính là cách để chúng ta nỗ lực xây dựng một nền kinh tế dân giàu, nước mạnh, nỗ lực thu hút doanh nghiệp tìm đến sản xuất, kinh doanh. Vì vậy chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh là câu trả lời cán bộ phục vụ doanh nghiệp, nhân dân tốt không. Còn nhiều cán bộ không trăn trở, vô cảm với dân, chúng ta phải nhận diện, thay thế bằng đội ngũ tốt hơn. Làm được việc đó là hợp lòng dân”.