Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Long An quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Với nhiều cách làm hiệu quả, qua 10 năm thực hiện chuyển đổi số, Long An đã vươn lên hạng 11 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước…
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Long An tham quan mô hình chuyển đổi số của Viettel đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Long An tham quan mô hình chuyển đổi số của Viettel đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Tèo (ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) cho biết, nhờ chuyển đổi số, việc ghi chép nhật ký sản xuất bằng thư điện tử đã giúp ông quản lý tốt quy trình sản xuất 3.000 m2 thanh long sạch và kho chứa phân bón, thuốc theo quy định. Giờ, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là ông giải quyết được rất nhiều việc.

Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) Trương Minh Trung chia sẻ: "Mỗi ngày ra đồng không cần mang theo giấy, viết nhưng vẫn ghi được nhật ký sản xuất. Khi đi công việc xa nhà, chỉ với chiếc điện thoại thông minh là có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình hoạt động sản xuất trên mảnh vườn của mình".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh: Xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành là một trong những địa phương được ngành nông nghiệp tỉnh chọn thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tham gia được tập huấn, hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; giới thiệu truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử. Nhờ đó, khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin trái thanh long tươi của Hợp tác xã Thanh long Dương Xuân và sản phẩm thanh long sấy Long Châu…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Long An Nguyễn Bá Luân cho biết, qua 10 năm triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã đã giúp chính quyền tăng cường tương tác với người dân, giúp người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương trên môi trường số. Trong cải cách hành chính, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong cơ quan nhà nước đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Long An.

Sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn trên hệ thống một cửa điện tử của Long An đạt 99,99%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đạt 100%; tỷ lệ văn bản chuyển đi được ký số đạt 99,9%; tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử đạt 91%. Tỉnh đã cung cấp 1.532 dịch vụ công trực tuyến bảo đảm 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp toàn trình; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 98%…

Một số mô hình khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi số hiệu quả, như: Ngày thứ tư không hẹn; cán bộ, công chức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến; thanh niên với chuyển đổi số; đội hình IT xanh; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước cấp xã; tạo lập trang Zalo OA "Ủy ban nhân dân cấp xã" và trang thông tin điện tử cấp xã; hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng tại địa phương lên sàn thương mại điện tử góp phần phát triển kinh tế số; thúc đẩy người dân sử dụng điện thoại thông minh, internet cáp quang đến hộ gia đình…

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", cấp ủy, chính quyền Long An đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng giúp Long An tăng chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh PCI trong năm 2023 xếp thứ hai cả nước; Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI xếp thứ 12 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 8 cả nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để chuyển đổi số của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tập trung rà soát, cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục dữ liệu mở và công bố, cung cấp dữ liệu mở phục vụ nhu cầu khai thác của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp. Phối hợp các bộ, ngành Trung ương thực hiện việc kết nối, chia sẻ, tập hợp đầy đủ dữ liệu của tỉnh có trên hệ thống của bộ, ngành đưa vào kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để bảo đảm sẵn sàng, thuận tiện cho khai thác, sử dụng. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng…