Trong nhóm các chính sách an sinh, việc thực hiện bảo hiểm xã hội đối với nông dân được triển khai từ những năm 1980. Trải qua nhiều thời kỳ, đến nay, ngoài những nông dân tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc trong các thành phần kinh tế, có ký hợp đồng lao động và hưởng tiền công, tiền lương theo quy định, thì những người sản xuất nông nghiệp khác cũng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động này vẫn còn hạn chế.
Tính đến hết năm 2021, số hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chiếm chưa đầy 1/3 tổng số hợp tác xã; số lao động thường xuyên tham gia chưa đến 2%; cả nước mới chỉ có 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương đương với 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Dù tăng tới khoảng 240 lần so với năm 2008-năm đầu tiên thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện và đạt tỷ lệ cao hơn 1,96 điểm phần trăm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nhưng có thể nói, “khoảng trống” về bảo hiểm xã hội trong nông dân vẫn còn rất lớn.
Việc đa số nông dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội (với cả hai hình thức là bắt buộc và tự nguyện), đồng nghĩa với việc không có lương hưu khi hết tuổi lao động, trước hết, sẽ khiến cuộc sống của họ và gia đình phải đối mặt với những rủi ro trong tương lai, khi không có khoản thu nhập ổn định lúc tuổi cao sức yếu. Bên cạnh đó, đây còn là “gánh nặng” đối với hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Theo nhận định chung, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Đó là nhận thức của một bộ phận không nhỏ nông dân về chính sách bảo hiểm xã hội chưa cao, chưa có thói quen tham gia mua bảo hiểm khi trẻ để về già được hưởng lương hưu. Do hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ, năng suất lao động thấp, hiệu quả còn hạn chế, lại chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... nên thu nhập của nông dân thấp và không ổn định, khiến nhiều người dù muốn cũng không có khả năng đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Về mặt chính sách, việc quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu; bảo hiểm xã hội tự nguyện không bao gồm những chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp; tỷ lệ hỗ trợ chưa cao... cũng chưa tạo đủ sức hấp dẫn đối với một bộ phận người lao động...
Để giải quyết những vấn đề nêu trên; đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho nông dân trong thời gian tới cần có những mục tiêu, giải pháp và cách thức thực hiện cụ thể, phù hợp với lực lượng lao động đặc thù và quan trọng này.