Đầu Xuân trao đổi với các bạn trẻ yêu toán: Học Toán có ích gì?

NDO -

Toán học có ích gì? Nhiều loại toán không dùng sau này tại sao cần học? Đó là câu hỏi, thắc mắc mà nhiều phụ huynh và học sinh vẫn thường nêu mỗi khi học toán.

Việc giải các bài toán giúp rèn luyện cho bộ não giải quyết tình huống. (Ảnh minh họa)
Việc giải các bài toán giúp rèn luyện cho bộ não giải quyết tình huống. (Ảnh minh họa)

Rèn luyện bộ não

Trong cuộc sống, chúng ta có thể không trở thành một vận động viên thể thao nhưng chúng ta vẫn thường xuyên tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe. Chúng ta có thể không cần trở thành nhà toán học hay giáo viên dạy toán nhưng vẫn nên học toán để "tập thể dục" cho bộ não của mình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Toán học là môn thể thao của trí tuệ”.

Hằng ngày, chúng ta gặp rất nhiều tình huống trong cuộc sống, có những tình huống hoàn toàn mới đòi hỏi bộ não cần phải xử lý. Để xử lý được tình huống đòi hỏi bộ não phải “nhớ”, “tìm tòi”, “liên tưởng”,… với những tình huống quen thuộc đã gặp. Nếu bộ não thường xuyên được rèn luyện thì “phản xạ” của bộ não sẽ nhanh hơn, kết quả đạt được tốt hơn.

Việc giải các bài toán (tình huống giả định) chính là ta đang rèn luyện cho bộ não giải quyết tình huống. Độ phức tạp của bài toán (biện luận, chia thành nhiều trường hợp,…) chính là độ phức tạp của tình huống đòi hỏi bộ não phải xử lý. Nó như là “quả tạ”, “xà đơn”, “vợt cầu lông”, “trái bóng”, “tiếng đàn”, “tiếng sáo”,... để rèn luyện trí tuệ và cảm xúc cho học sinh.

Do đó cái còn lại sau những năm tháng vất vả học toán không phải chỉ là những công thức, quy tắc,… mà quan trọng còn là cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, khả năng toán học hóa các tình huống của cuộc sống

Tạo cảm xúc và phát triển thẩm mỹ

Trong đời mỗi học sinh, chắc có hơn một lần “reo lên” khi tự mình giải được bài toán khó, tìm thêm được cách giải khác cho bài toán. Lúc đó cảm xúc của chúng ta thật vui sướng và lâng lâng. Đôi khi đó còn là một kỷ niệm đẹp, một bước ngoặt trong cuộc đời.

Nhà toán học người Pháp Siméon Denis Poisson (1781-1840) lúc nhỏ là một học sinh rất sợ toán. Sau, vì giải được bài toán “chia sữa”, ông trở nên say mê học toán, nghiên cứu toán và đã trở thành một nhà toán học lỗi lạc.

Nhà toán học Vladimir Arnold (1937-2010), một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của nước Nga thế kỷ 20, kể lại rằng lúc còn học ở tiểu học, ông được thầy giáo cho giải bài toán về chuyển động của hai bà lão. Arnold còn nhớ: “Suy nghĩ tìm cách giải bài toán, lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm vui sáng tạo. Và chính ước vọng có được niềm vui như vậy đã giúp tôi trở thành nhà toán học”.

Nhà văn Pháp Stendhal (1783-1842), tác giả của tiểu thuyết “Đỏ và đen” nổi tiếng, đã kể lại trong cuốn “Tự truyện”: “Ở thầy giáo, tôi đã tìm thấy Euler và bài toán của Euler về số trứng mà bà nông dân mang ra chợ bán… Đó là một phát kiến với tôi”.

Những câu chuyện trên chính là những “cảm xúc” mà toán học mang lại, nó làm cho cuộc sống thi vị hơn, giúp chúng ta thành công hơn.

Bên cạnh đó, toán học còn giúp chúng ta biết thưởng thức cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp. Trước hết, đó là cái đẹp của những kết quả, công thức, những ứng dụng hay, phong phú, bất ngờ của toán học; cái đẹp của những suy luận logic chặt chẽ, cái đẹp của lời giải ngắn gọn, độc đáo của một bài toán. Đó còn là cái đẹp của những hình vẽ cân đối, hài hòa, là chân lý của toán học và sự sáng tạo khi học toán. PGS Văn Như Cương đã chia sẻ:

“Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn

Mong rằng toán học bớt khô khan

Em ơi, trong toán nhiều công thức

Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn”.

Phát triển phẩm chất và năng lực

Toán học là môn học công cụ vì ngôn ngữ toán học, kiến thức toán học, tư duy phương pháp toán học là cần thiết cho cuộc sống và cho việc học các môn học khác. Mỗi khi bạn đã có phương pháp học toán tốt thì bạn sẽ không chấp nhận việc lập luận hời hợt, tư duy lộn xộn. Học toán mang lại cho bạn những phẩm chất và năng lực: biết cách đặt vấn đề, phân tích, giải quyết vấn đề, kiểm tra cách giải quyết; biết nhận ra cái bản chất, biết phân loại các trường hợp, biết từ những vấn đề riêng lẻ rút ra kết luận chung, biết áp dụng lý luận chung vào những tình huống cụ thể, biết suy luận ngắn gọn, chính xác, biết trình bày, diễn đạt rõ ràng, mạch lạch; rèn luyện tác phong khoa học.

Trong bức thư gửi cho các bạn trẻ yêu toán (tháng 10/1967), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: “Trong các môn khoa học và kỹ thuật, toán học giữ một vị trí nổi bật. Nó có tác dụng lớn đối với sản xuất và chiến đấu. Nó còn là môn thể thao của trí tuệ, giúp chúng ta nhiều trong việc rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp học tập, phương pháp giải quyết các vấn đề, giúp chúng ta rèn trí thông minh sáng tạo.

Nó còn giúp chúng ta rèn luyện nhiều đức tính quý báu khác như: cần cù và nhẫn nại, tự lực cánh sinh, ý chí vượt khó, yêu thích chính xác, ham chuộng chân lý. Dù các bạn phục vụ ngành nào, trong công tác nào thì các kiến thức và phương pháp toán học cũng rất cần cho các bạn”.

Từ các lợi ích trên, có thể khẳng định rằng toán học có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và học toán là điều hết sức cần thiết cho mỗi chúng ta, thậm chí rất nhiều người còn học toán đến hết đời với một niềm yêu thích. Trước khi ngừng thở, Poisson đã nói câu bất hủ: “Nếu được sống thêm cuộc đời nữa, tôi sẽ lại làm toán!”.