Tại các tỉnh, thành phố những tháng trước dịch Covid-19 bùng phát mạnh như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… hay như Hà Nội hiện nay, y tế cơ sở gần như “vỡ trận”. Với lực lượng mỏng, chỉ từ sáu đến tám cán bộ y tế/trạm y tế thì những công việc cần triển khai khi địa bàn có hàng trăm người nhiễm Covid-19 (F0) là quá nhiều, cán bộ y tế cơ sở phải làm việc liên tục, có người tới 15 - 16 tiếng/ngày. Qua thực tế ứng phó dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cho thấy hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khi đại dịch xảy ra. Người dân khó tiếp cận các dịch vụ y tế khi dịch bùng phát trên diện rộng, dẫn đến quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Đã có những trường hợp khi được xác định là F0 vẫn phải mất cả ngày mới tiếp cận được y tế cơ sở.
Báo cáo đánh giá của Bộ Y tế nêu rõ việc đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ; chủ yếu là nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu hiện tại, số lượng được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng theo đúng quy chuẩn thiết kế còn thấp, dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ thiết yếu, cơ bản trong chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai thảm họa xảy ra.
Trong phiên thảo luận trực tuyến về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đây là giải pháp cần quan tâm đầu tiên để chúng ta mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Đối với y tế cơ sở, cần dành nguồn lực để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ y sĩ, bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn. Đáng chú ý, một số đại biểu đã đề nghị không giảm biên chế đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng mà cần có chính sách phù hợp hơn để đội ngũ này yên tâm công tác. Trong hạn chế của y tế cơ sở có việc thiếu cán bộ y tế, mà nguyên nhân sâu xa là do trước đây chúng ta thực hiện chính sách tinh giản biên chế 10% đối với những đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại cơ sở, từ việc tổ chức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ và đưa các bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản tình nguyện về các vùng khó khăn; đưa cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã, phường... Nhiều đề án cũng đang được triển khai hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh cũng như được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm 2022 và những năm tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước bảo đảm đủ số lượng ở các tuyến; có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế, nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19...