Hệ thống bệnh viện vệ tinh vùng
Mặc dù hệ thống y tế tuyến cơ sở đã được kiện toàn, củng cố, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên; tuy nhiên, phân bổ cơ sở hạ tầng y tế chưa đồng đều; cơ sở hạ tầng y tế của vùng còn thiếu và yếu, phát triển mạng lưới cơ sở y tế chưa đạt mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định: “Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở. Phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố Vinh và thành phố Huế thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu; Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học (ĐH) Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế”. Đây là một trong những nội dung trọng tâm để các địa phương trong vùng tiếp tục hợp tác, kết nối để cùng đầu tư cho lĩnh vực y tế; góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại từng địa phương; hoàn thiện mạng lưới y tế, chăm lo toàn diện sức khỏe cho nhân dân.
Việc phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu trong vùng cần gắn với việc đầu tư phát triển của bệnh viện tuyến trung ương trong vùng là Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện đảm nhận vai trò là bệnh viện vùng để bảo đảm tính khả thi và tận dụng được các nguồn lực sẵn có.
Hiện nay, các bệnh viện lớn của các địa phương đã thực hiện vai trò nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tại Nghệ An, trong phát triển kỹ thuật, địa phương này đã đạt được ba mục tiêu hết sức quan trọng để trở thành Trung tâm y tế của khu vực là: Xây dựng được Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Ung bướu; thực hiện được kỹ thuật ghép tạng (thận)...
Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập nhiều trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Kỹ thuật cao, Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Ung bướu-Y học hạt nhân, Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình-Phẫu thuật tạo hình.
Thành phố Đà Nẵng chi mạnh tay đầu tư xây dựng tại Bệnh viện Đà Nẵng hai trung tâm gồm: Trung tâm Tim mạch với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng; Trung tâm Ghép tạng và Cấy ghép tế bào gốc với tổng mức đầu tư của dự án gần 500 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ sở y tế hạng 1 như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang triển khai đồng loạt các đề án bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đồng thời, bắt tay vào triển khai xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, kết nối khu vực vùng.
Thiếu nguồn nhân lực
Theo Bộ Y tế, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện có bốn cơ sở đào tạo công lập khối ngành sức khỏe: gồm ĐH Y khoa Vinh, ĐH Y Dược Huế, Khoa Y Dược-ĐH Đà Nẵng, ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo trong vùng nhằm bảo đảm cung cấp đủ số lượng nhân lực y tế của các tỉnh trong vùng còn thiếu hụt so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đến năm 2025, toàn vùng còn thiếu 6.427 bác sĩ, năm 2030 sẽ thiếu 14.066 bác sĩ; đáng lưu ý số lượng điều dưỡng thiếu hụt tương đối nhiều, đến năm 2025 thiếu 39.341 người và đến năm 2030 thiếu 60.155 người. Các bệnh viện cần có tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng đạt ở mức từ 1/2,5-1/3 để bảo đảm thực hiện được chăm sóc toàn diện.
Để bảo đảm nguồn nhân lực, hiện các địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý và có chất lượng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thực hiện chăm sóc toàn diện. Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố với 142 vị trí việc làm. Cụ thể, bác sĩ có trình độ tiến sĩ được hưởng 200 lần mức lương cơ sở; bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hưởng 180 lần mức lương cơ sở; bác sĩ nội trú hưởng 150 lần mức lương cơ sở; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp một hưởng 120 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại giỏi hưởng 100 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại khá hưởng 80 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa được hưởng 50 lần mức lương cơ sở.
Năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết 33/2022/NQ-HĐND về “Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023-2025”. Dự kiến, trong ba năm, từ 2023-2025, địa phương này sẽ thu hút khoảng 120-150 bác sĩ; kinh phí hỗ trợ khoảng 45,5 tỷ đồng được chi trả trong 5 năm từ nguồn ngân sách của tỉnh. Nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, được hưởng chế độ hỗ trợ cao nhất dự kiến là 300 triệu đồng/năm, thấp nhất là 35 triệu đồng/năm, căn cứ vào trình độ đào tạo và nơi làm việc.
Đầu tư đồng bộ mạng lưới y tế vùng, phần lớn quyết định nhiều thay đổi về an sinh-xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vì sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của toàn vùng ■
Thống kê mới nhất cho thấy, hiện trong vùng đã có gần 100% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 100% số trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 100% số xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; số bác sĩ của vùng là 19.251 người, chiếm 20% số bác sĩ cả nước, gấp gần hai lần so với năm 2010. Số bác sĩ bình quân trên một vạn dân là 9,52 người, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.