Đầu tư cảng biển, tối ưu chi phí logistics

Việc hoàn thiện hệ thống cảng biển tổng hợp để tối ưu hóa chi phí logistics, giảm bớt rủi ro, tăng sức cạnh tranh hàng hóa xuất, nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng quốc tế Long An tiếp nhận chuyến tàu công-ten-nơ đầu tiên cập cảng ngày 22/6/2023.
Cảng quốc tế Long An tiếp nhận chuyến tàu công-ten-nơ đầu tiên cập cảng ngày 22/6/2023.

Với mục đích, ý nghĩa này, tỉnh Long An kêu gọi đầu tư cụm dự án Cảng quốc tế Long An với tổng số vốn hơn 500 triệu USD. Sau 8 năm xây dựng đã đưa vào sử dụng 7 cầu cảng khai thác hàng công-ten-nơ, góp phần giải quyết ùn ứ hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có các cảng biển nước sâu như: cảng Cái Cui (thành phố Cần Thơ), Cảng quốc tế Long An... có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 20.000 đến 70.000DWT. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển nước sâu cho tàu vận chuyển công-ten-nơ xuất, nhập khẩu còn rất thiếu nên hàng hóa phải chuyển qua các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đó làm chi phí logistics tại đồng bằng sông Cửu Long tăng khoảng 30% so với giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, 70% sản lượng trái cây xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng phần lớn phải trung chuyển qua các cảng khác tốn nhiều thời gian, chi phí tăng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc phát triển cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics để tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu là cấp thiết.

Cụm dự án Cảng quốc tế Long An do Đồng Tâm Group đầu tư xây dựng có diện tích 1.935ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; gồm các hạng mục: Khu công nghiệp 396ha, khu dịch vụ-công nghiệp 239ha, khu đô thị 1.145ha và cảng biển 147ha. Sau 8 năm thi công, dự án đã đưa vào sử dụng 7 cầu cảng khai thác hàng công-ten-nơ có tổng chiều dài 1.670m. Tất cả là sự kết hợp hài hòa của một khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, tiện ích tạo thành quần thể thành phố cảng biển năng động.

Trong giai đoạn vừa thi công, vừa khai thác, cảng đã tiếp nhận tàu tải trọng 70.000DWT cập bến; hàng hóa thông qua cảng trong năm 2022 đạt trên 2,2 triệu tấn. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng quy mô lên 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng (khí hóa lỏng), 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch lớn để đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, chiều dài bờ Cảng quốc tế Long An là 2.368m, dài nhất Việt Nam, tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000DWT và hướng đến mục tiêu trở thành cảng biển được quốc tế công nhận tại châu Á. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An Peter Hendrik Slootweg thông tin, định hướng công suất khai thác của cảng đến năm 2030 đạt 1.000.000TEU, xử lý 10 triệu tấn hàng hóa tổng hợp thông qua cảng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, Long An đang tập trung mọi nguồn lực cho chiến lược phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với khu vực lân cận nhằm tối ưu chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sự ra đời của Cảng quốc tế Long An góp phần giải quyết bài toán logistics và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Điều này cũng thể hiện trong Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội với mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế-xã hội, sáu trục động lực”. Cụ thể, trong sáu trục động lực kinh tế thì Vành đai 3-Vành đai 4 là trục kết nối Long An với vùng Đông Nam Bộ-Thành phố Hồ Chí Minh; kết nối sân bay quốc tế Long Thành và Cảng quốc tế Long An. Cùng với đó, Trung ương đang hình thành các nút giao kết nối hệ thống hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống giao thông cấp tỉnh và liên vùng, khi hoàn thiện sẽ giúp dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.

Tỉnh Long An đang tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới, ưu tiên đầu tư tại Cảng quốc tế Long An. Tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư nạo vét luồng sông Soài Rạp, bảo đảm độ sâu dưới 11,5m để tàu 70.000DWT có thể ra vào thuận lợi, góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.