Đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo bạn đọc phản ánh, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, nhất là trên không gian mạng. Bên cạnh phương thức lừa đảo cũ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản thì các đối tượng phạm tội còn sử dụng Facebook, Zalo,… để kết bạn, giả danh cán bộ hải quan, thuế, công an gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân nộp thuế, tiền phạt vào tài khoản ngân hàng cung cấp trước đó để chiếm đoạt, gây bức xúc dư luận.

Thi hành lệnh bắt giam Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ Phước Điền (Dĩ An, Bình Dương). (Ảnh MÃ HẢI)
Thi hành lệnh bắt giam Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ Phước Điền (Dĩ An, Bình Dương). (Ảnh MÃ HẢI)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp vừa khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thiện Nhân (40 tuổi, ở phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2019, Nhân làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng trả nợ. Thời điểm này, lợi dụng đang là nhân viên Ngân hàng Vietcombank-Chi nhánh Đồng Tháp, Nhân đã vay tiền của nhiều người để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, Nhân đã chiếm đoạt số tiền gần 50 tỷ đồng của nhiều người và bỏ trốn khỏi địa phương. Công an đã bắt tạm giam bị can Nhân…

Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; rửa tiền, khởi tố bị can và bắt tạm giam một nhóm đối tượng gồm 13 người. Đây là vụ án lớn, các đối tượng chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người trên địa bàn tỉnh Thái Bình và một số địa phương khác trên địa bàn cả nước. Tính từ ngày 10/7/2021 đến 20/11/2021, tổng số tiền chuyển vào tài khoản rửa tiền là hơn 33 tỷ đồng…

Qua tìm hiểu, trong giai đoạn năm 2015-2019, công an các tỉnh, thành phố đã phát hiện, khởi tố điều tra hơn 10.300 vụ với hơn 11.000 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Từ tháng 5/2020 đến 5/2021, lực lượng công an phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có tới hơn 2.500 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nguyên nhân gia tăng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội là do một bộ phận người dân không nắm rõ các quy định của pháp luật về các lĩnh vực cho nên đã bị các đối tượng lợi dụng. Việc tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các tổ chức, cá nhân còn hạn chế.

Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay gặp nhiều khó khăn do nạn nhân và gia đình nạn nhân thiếu hợp tác. Một số trường hợp người bị hại tố cáo hành vi lừa đảo của người phạm tội khi vụ việc đã xảy ra từ lâu, khiến công tác thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bắt nguồn từ các giao dịch dân sự, do vậy ngoài việc am hiểu các quy định của pháp luật hình sự thì những người thực hiện tố tụng phải nắm vững pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, thủ tục mở tài khoản tại các ngân hàng thiếu chặt chẽ dễ bị các đối tượng sử dụng chứng minh thư giả để cùng lúc mở nhiều tài khoản...

Theo Thiếu tá Phan Minh Hoàng, Phó Trưởng Công an thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, trong thời gian qua các đối tượng thường sử dụng phương thức khá phổ biến. Đó là, chiếm quyền sử dụng Facebook, sử dụng ngay danh bạ có sẵn của nạn nhân trên mạng xã hội để mạo danh vay tiền. Hay như, tập trung thực hiện hành vi lừa đảo những người bán hàng online trên mạng xã hội với thủ đoạn rất đơn giản, đó là giả mạo mua hàng, tạo ra tài khoản Facebook và yêu cầu người bán cung cấp hàng, báo giá, đồng thời cả số tài khoản để chuyển tiền. Lúc này, có một nhóm đối tượng làm giả chuyển tiền bằng cách tạo mã độc, gắn đường link.

Khi người bán kích vào đây, lập tức bị chiếm quyền sử dụng và đối tượng ung dung thực hiện lệnh rút tiền. Việc truy xét rất khó khăn bởi chúng lập ra nhiều tài khoản ảo nên việc tìm ra manh mối càng gian nan bội phần. Cũng theo Thiếu tá Phan Minh Hoàng, ngoài thủ đoạn nêu trên, các đối tượng còn thực hiện việc chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng qua mạng xã hội. Tập trung vào những người bán hàng online với cùng cách thức phổ biến là nhắn đường link do chúng tạo ra rồi nhập mật khẩu, chiếm quyền sử dụng. Và thủ đoạn nữa là giả danh các cán bộ công an, tòa án, điện lực, ngân hàng,… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trong ngành công an tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường công tác phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng,...

Trung tướng TÔ ÂN XÔ (Chánh Văn phòng Bộ Công an)

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tài sản bị chiếm đoạt có trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn tiếp tục vi phạm; không bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175, 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích còn vi phạm;…) thì bị xử phạt đến 3 triệu đồng theo điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/11/ 2021 của Chính phủ quy định…

Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN (Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, thành phố Hà Nội)