<p>Trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội</p>

Ðấu tranh, phòng ngừa mua bán người qua biên giới ở Lai Châu

NDO - Lai Châu là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới phía Tây Bắc, nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, hiện có hơn 50% số xã, thị trấn đặc biệt khó khăn, trong đó có 22 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc thuộc ba huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè với hai cửa khẩu quốc gia và nhiều đường biên giới tiểu mạch, địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, có mối quan hệ láng giềng, thân tộc với người Trung Quốc, vì vậy, người dân ở khu vực biên giới hai nước thường qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa...
Các bạn trẻ tham gia Diễn đàn tuổi trẻ Việt Nam - Trung Quốc về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Các bạn trẻ tham gia Diễn đàn tuổi trẻ Việt Nam - Trung Quốc về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, các loại tội phạm đã triệt để lợi dụng để hoạt động, trong đó đáng quan tâm là tội phạm mua bán người diễn ra rất phức tạp.

Tội phạm mua bán người ở Lai Châu đã gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn. Từ năm 2005 đến tháng 6-2012, trên địa bàn Lai Châu xảy ra 89 vụ mua bán người. Lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 87/89 vụ, xử lý 151 đối tượng phạm tội (với 161 nạn nhân bị buôn bán). Phần lớn các vụ án mua bán người ở Lai Châu đều có sự cấu kết giữa các đối tượng phạm tội người Việt Nam và đối tượng người Trung Quốc để hình thành đường dây, chúng tìm hiểu kỹ về địa bàn để tính toán cách thức đưa nạn nhân sang bên kia biên giới, phân công thực hiện từng phần việc cụ thể như phân công đưa nạn nhân, nắm tình hình hoạt động của các lực lượng chức năng, đối tượng trực tiếp giao dịch, nhận tiền...

Ðối tượng phạm tội thường dùng thủ đoạn rủ chị em phụ nữ sang Trung Quốc đi chợ, xem lễ hội... rồi bán cho người Trung Quốc. Mặt khác, tội phạm lợi dụng vào phong tục tập quán, trình độ nhận thức, khó khăn về kinh tế và các hoàn cảnh khác của phụ nữ để rủ rê, tạo viễn cảnh sang Trung Quốc nhàn hạ, không phải lao động. Có đối tượng trước đây là nạn nhân bị buôn bán, nay quay lại Việt Nam dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán.

Công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở tỉnh Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn như : Nạn nhân bị lừa bán nhưng không xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, nhiều vụ án không bắt được đối tượng chính, nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài nhưng chưa được giải cứu... Nhiều nạn nhân bị lừa bán sâu vào nội địa Trung Quốc cho nên lực lượng chức năng không đủ điều kiện xác minh điều tra giải cứu. Bên cạnh đó, nạn nhân cũng như người thân trong gia đình  vì nhiều lý do như xấu hổ, có quan hệ họ hàng, anh em với đối tượng, cho nên chưa tích cực tố giác tội phạm và hạn chế cộng tác với lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý án.

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp. Trong đó, tập trung vào nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giúp cho chị em có nhiều thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn, hậu quả và các biện pháp phòng, chống mua bán người. Ðối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, ngoài các giải pháp nêu trên, lực lượng công an, các cấp hội phụ nữ cùng các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, hoạt động của tội phạm, kịp thời có các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.

Công an tỉnh Lai Châu chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện tốt Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 19-10-1998; Hiệp ước biên giới đất liền; Chỉ thị số 37/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/CP và các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người.

Thời gian tới, Công an tỉnh Lai Châu xác định tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với lực lượng chuyên trách các cấp phía bạn nhằm tạo cơ chế phối hợp thống nhất, kịp thời trong trao đổi thông tin về tội phạm, xác minh, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, đối tượng truy nã, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ hồi hương nạn nhân bị buôn bán trở về; nắm chắc tình hình, bàn biện pháp phối hợp đấu tranh chống tội phạm mua bán người qua biên giới. Ðồng thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 130/CP chỉ đạo các sở, ban, ngành là thành viên và UBND các huyện, thị xã chủ động phối hợp và tranh thủ các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các dự án về tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài bảo đảm đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng, Nhà nước bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn.

Ðại tá LÊ VĂN BẢN
Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu