* Cục Cảnh sát môi trường đã ra đời và đi vào hoạt động, vậy bao giờ lực lượng Cảnh sát môi trường ở địa phương sẽ được thành lập thưa Thiếu tướng?
- Tổng cục Cảnh sát đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để có thể triển khai lực lượng ở địa phương trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, chúng tôi sẽ thành lập các phòng Cảnh sát môi trường ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm về môi trường, sau đó rút kinh nghiệm để tiến tới triển khai trong toàn quốc.
* Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có các đơn vị có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, theo Thiếu tướng việc phối hợp của Cục Cảnh sát môi trường sẽ được tổ chức như thế nào để không bị chồng chéo?
- Đúng là Bộ Tài nguyên và Môi trường có một số đơn vị như: Cục Thanh tra môi trường, Cục Bảo vệ môi trường... có chức năng tham mưu giúp cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Cục Cảnh sát môi trường là lực lượng chiến đấu, có chức năng bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm môi trường.
Cảnh sát bảo vệ môi trường được thực hiện bảy biện pháp công tác: vận động quần chúng, pháp luật, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang theo khoản 6, điều 14 Luật Công an nhân dân. Trong trường hợp cần thiết, được ra quyết định hoặc kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân gây nguy hại, hủy hoại môi trường ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội theo khoản 8, điều 18 Luật Công an nhân dân.
Cảnh sát môi trường còn thực hiện một số hoạt động điều tra theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và xử lý vi phạm quy định bảo vệ môi trường theo pháp luật. Do đó, mặc dù đều nhằm bảo vệ và phát triển lành mạnh môi trường sinh thái, nhưng phương pháp công tác của hai đơn vị này có những điểm đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, việc phối hợp hoạt động để tăng cường hiệu quả công tác giữa các lực lượng hoạt động trong cùng lĩnh vực là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ sớm tham mưu cho hai Bộ để kịp thời ban hành quy chế phối hợp.
* Thiếu tướng đánh giá thế nào về tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường hiện nay ở nước ta và nhiệm vụ trước mắt của Cục Cảnh sát môi trường?
- Có thể nói, tình hình vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa chú trọng đúng mức về nhiệm vụ bảo vệ môi trường: chất thải độc hại được xả thẳng ra đất, sông, suối và không khí mà không được xử lý hoặc có xử lý nhưng vẫn không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường; đồng thời việc khai thác bừa bãi tài nguyên cũng gây tác hại nghiêm trọng về cân bằng môi trường sinh thái. Đã có căn cứ cho thấy con người đang phải gánh chịu hậu quả do không chú ý đến bảo vệ môi trường.
Theo kết quả thanh tra của cơ quan chức năng, trong hai năm 2005-2006, trong số các cơ sở kiểm tra, có đến 96,6% doanh nghiệp vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường; 55-70% cơ sở không chấp hành quy định cam kết bảo vệ môi trường; 100% cơ sở phát sinh nước thải chưa thực hiện việc xin cấp giấy phép xả nước thải, vi phạm xả thải không đạt tiêu chuẩn môi trường 100% doanh nghiệp phát khí thải không có thiết bị xử lý chất nguy hại...
Cùng với việc Bộ Công an sẽ sớm ban hành quy chế hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, trước mắt chúng tôi nhanh chóng củng cố lực lượng, nghiên cứu xây dựng đề án nhằm tăng cường cơ sở vật chất và con người đảm bảo cho hoạt động đạt hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Công an đề xuất Quốc hội và Chính phủ bổ sung vào Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự: Nghị định 81 về xử lý vi phạm hành chính tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tham gia thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường...
Là một lực lượng mới ra đời, chúng tôi mong được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
* Cảm ơn Thiếu tướng.