Bên lề Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV:

Đấu thầu cần quy định chặt chẽ hơn

NDO - Để không xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, qua trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải lựa chọn những nhà thầu đủ điều kiện, năng lực, đồng thời cũng cần “rào kín” các quy định về đấu thầu để tránh tiêu cực, tham nhũng xâm lấn.
0:00 / 0:00
0:00

Đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai): Đấu thầu phải khoa học, công khai, minh bạch

Đấu thầu cần quy định chặt chẽ hơn ảnh 1

Đại biểu Quản Minh Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Qua thực tế thực hiện đấu thầu nhiều năm, điều kiện kinh doanh, môi trường, giá nguyên vật liệu, thi công thay đổi, các cơ sở, văn bản pháp luật khác cũng thay đổi, cho nên việc sửa đổi Luật Đấu thầu là rất cần thiết.

Để không xảy ra tiêu cực, tránh trường hợp “cánh hẩu” không đủ năng lực lại trúng thầu, cuối cùng có thể đem bán dự án lấy lợi nhuận, trong đấu thầu cần chọn nhà đầu tư, đơn vị đủ điều kiện, năng lực để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế-xã hội, xây dựng.

Đấu thầu là sự cạnh tranh, ai đủ năng lực đưa ra những tiêu chí, điều kiện kỹ thuật, đủ khả năng thì làm. Nhưng qua đấu thầu đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề. Có khi vì muốn trúng thầu, nhiều nhà thầu đã bỏ thầu giá thấp nhất nhưng trong quá trình thực hiện không làm được. Thậm chí có trường hợp đi mượn tư cách pháp nhân của nhà thầu khác để đấu thầu nhưng trên thực tế không đủ năng lực.

Muốn đấu thầu tốt, Luật Đấu thầu phải khoa học, công khai, minh bạch. Trong quá trình đấu thầu, các chủ thầu, cơ quan quản lý nhà nước phải công tâm, khách quan, không tiêu cực. Dù có luật pháp nào đi chăng nữa, có đầy đủ đến đâu đi nữa, mà cán bộ trực tiếp làm công tác đấu thầu có biểu hiện tiêu cực thì cũng mang lại kết quả không tốt.

Quan điểm của cá nhân tôi ngoài chuyện sửa đổi Luật Đấu thầu, cũng cần bổ sung thêm nhiều tiêu chí để chỉ định, chọn những nhà thầu, nhất là trong những công trình quốc phòng, an ninh trọng điểm quốc gia, nếu chỉ thực hiện đấu thầu chưa chắc đã hiệu quả bằng chỉ định thầu.

Thí dụ có những nhà thầu đã thi công những công trình cụ thể, công trình của họ đã thành công rồi, rõ ràng giá cả kiểm toán đã chỉ ra là rất rẻ, họ đầy đủ năng lực, phương tiện, đội ngũ kỹ sư tư vấn, tại sao không chỉ định cho họ mà lại thực hiện đấu thầu. Còn có những phiên đấu thầu chỉ là hình thức, có những lĩnh vực chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp làm được nhưng vẫn tổ chức đấu thầu gây tốn kém.

Đấu thầu là hình thức công khai, minh bạch, văn minh, tiến bộ. Trên thế giới đã áp dụng nhiều hình thức cả đấu thầu và lựa chọn thầu, chỉ định thầu. Việc đấu thầu là quy định, nhưng người đứng đầu các cơ sở cũng phải rất quan tâm đến việc này, tránh tiêu cực trong quá trình đấu thầu.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Rào kín quy định về đấu thầu để tránh sơ hở

Đấu thầu cần quy định chặt chẽ hơn ảnh 2

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cơ chế đấu thầu hiện nay với nhiều thủ tục, nhiều giai đoạn, quá trình khiến cho thời gian kéo dài, tăng chi phí cho cả những quá trình có thể tính vào giá thành nhưng vẫn không ngăn chặn được tiêu cực trong đấu thầu.

Khi thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tôi có đưa ra 1 đề xuất, việc tiếp cận vấn đề không mới - đó là thực hiện chào giá cạnh tranh, song phải đưa ra những điều kiện chặt chẽ hơn. Bởi, chào giá cạnh tranh là cái phương án đã được sử dụng trước đây, sau này chúng ta sửa đổi nâng lên thành đấu thầu.

Theo đó, phương án chào giá cạnh tranh được đặt cùng với 5 điều kiện. Một là, định nghĩa được hàng hóa, dịch vụ cần phải tổ chức chào giá để chọn giá. Thí dụ như 1 hàng hóa cụ thể thì phải đưa ra những định nghĩa cực kỳ chuẩn xác, gồm có chủng loại, xuất xứ, cấu thành của hàng hóa đó.

Về dịch vụ là cung ứng về thiết kế 1 công trình nào đó, công năng nào đó mà chúng ta đưa ra các tiêu chí cực kỳ cụ thể như tổ chức sự kiện, phòng họp tiêu chuẩn ra sao hay tiêu chí vật liệu gồm những gì. Tóm lại, người tham gia cần biết được mặt hàng hàng hóa hoặc loại dịch vụ chi tiết như thế nào.

Thứ hai, sau khi đã định nghĩa được hàng hóa, dịch vụ rồi thì công khai lên mạng. Trong thế giới phẳng, không chỉ những nhà cung ứng vật liệu, dịch vụ, hàng hóa ở trong nước mà cả thế giới đều sẽ phải tự đánh giá năng lực, chi phí đầu vào, đầu ra..., qua đó họ tính toán được khoản lợi nhuận trước khi quyết định tham gia vào chào giá cạnh tranh.

Thứ ba, phải có một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, chuyên trách với những ưu đãi, tuyển chọn chặt chẽ theo chuyên ngành. Trước đây, chúng ta đã từng có ý tưởng thành lập trung tâm mua sắm, trung tâm đấu giá thì bây giờ thay vì đó bố trí lực lượng chuyên nghiệp ở mỗi cấp đơn đơn vị hành chính.

Thứ năm, phải siết kỷ luật, chế tài xử lý đối với nhà cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa, cũng như chế tài về xử lý, kỷ luật đối với bộ máy lựa chọn giá cạnh tranh.

Nếu áp dụng theo quy trình này, chỉ cần trong vài ngày đã có thể lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa mà không cần phải đấu thầu dài. Khi đã minh bạch thì trị giá nào thấp, phù hợp sử dụng thì đội ngũ chuyên gia lựa chọn, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước chính quyền về việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của đơn vị cung cấp, trong khi nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về pháp luật, nếu áp dụng chế tài nghiêm khắc thì vừa giảm được quy trình, vừa giảm được thời gian mà khả năng tham nhũng khó có thể xảy ra. Trong khi đó, nếu trải qua các bước đấu thầu từ mời thầu, dự thầu, chấm thầu, đến xét chọn nhà thầu đều có khả năng xảy ra tiêu cực. Quy định về đấu thầu nếu không rào kín được thì sẽ có những sơ hở để tiêu cực, tham nhũng xâm lấn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nâng cao vai trò của thẩm định trong chỉ định thầu

Đấu thầu cần quy định chặt chẽ hơn ảnh 3

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Ban soạn thảo có đề xuất sửa đổi, bổ sung, bỏ một số nội dung, trong đó có tổ chức chỉ định thầu mà không thông qua đấu thầu để rút ngắn thời gian và tổ chức thực hiện cho nhanh gọn.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu sẽ dẫn đến những trường hợp bất công, lạm dụng, không công bằng đối với các nhà thầu khác. Nếu các nhà thầu được ưu ái lựa còn các nhà thầu khác không được chọn thì có thể nảy sinh thắc mắc không đáng có.

Tôi cũng rất thống nhất với Ủy ban Tài chính, Ngân sách là đấu thầu và chỉ định thầu là 2 nội hàm khác nhau. Đồng ý là có những trường hợp cấp bách như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và phục vụ quốc phòng an ninh thì cần thiết phải chỉ định thầu để rút ngắn thời gian mua sắm, còn những trường hợp xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản hoặc đấu giá tài sản bình thường thì cần tổ chức đấu thầu để tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các nhà thầu với nhau.

Tuy nhiên, việc chỉ định thầu phải chọn nhà thầu đủ năng lực và phải có 1 Hội đồng thẩm định nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Đồng thời, nên có thẩm định giá đúng theo quy định và đúng theo giá thị trường chứ không phải là mua sắm thì định giá “trên trời”, còn bán tài sản thì định giá “dưới đất” như thời thời gian qua đã xảy ra tình trạng tiêu cực.

Cho nên trong việc chỉ định thầu, vai trò của cơ quan thẩm định giá là cực kỳ quan trọng, phải trung thực, là công tâm, khách quan, vô tư.