Một số dự án như mở rộng các đoạn quốc lộ 13, 22, 1A, 50 qua địa bàn TP Hồ Chí Minh được Sở GTVT thành phố đề xuất chuyển sang đầu tư từ vốn ngân sách, thay vì đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); hoặc hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT). Theo lý giải của Sở GTVT thành phố, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ chưa có các quy định cụ thể về hoàn trả quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT cho nên các dự án này cần chuyển sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.
Một số đoạn của đường vành đai 2 cũng được kiến nghị chuyển sang hình thức đầu tư công bằng vốn ngân sách. Nếu được bố trí đủ vốn thì sẽ hoàn thành toàn bộ đường vành đai 2 vào năm 2022.
Giám đốc Sở GTVT thành phố Trần Quang Lâm cho biết, trước tình hình bất cập của nhiều trạm thu phí BOT, từ đầu năm 2019, sở đã rà soát lại các dự án BOT chuẩn bị thực hiện trên địa bàn thành phố. Quan điểm của TP Hồ Chí Minh là việc thực hiện các dự án BOT phải minh bạch, đúng pháp luật; trạm thu phí phải đặt đúng vị trí, mức thu phù hợp và đúng đối tượng. “Thành phố tạm dừng đầu tư một số dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ qua địa bàn thành phố để rà soát lại quy mô, tìm phương thức đầu tư phù hợp. Chỉ đồng ý cho đầu tư các dự án BOT trên tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn; không chọn hình thức đầu tư BOT trên các tuyến đường đã có sẵn”, ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có chín dự án BOT, trong đó bảy dự án do thành phố quản lý và hai dự án do Bộ GTVT quản lý. Trong số bảy dự án do thành phố quản lý, có ba dự án đang thu phí, gồm: quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; cầu Phú Mỹ và đường Nguyễn Văn Linh. Bốn dự án đang được đầu tư hoặc chờ hoàn chỉnh thủ tục để thu phí, gồm: Cầu, đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2); dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Trung Lương; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.
Thời gian qua, việc huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở thành phố còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ, nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô… Điển hình như tuyến đường vành đai 2. Tuyến đường này có chiều dài 64 km với quy mô từ sáu đến 10 làn xe, hiện còn 11 km dự kiến khép kín vào năm 2022. Toàn bộ dự án này có chi phí bồi thường đoạn 1 và 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) ước khoảng 5.100 tỷ đồng; còn chi phí xây lắp khoảng 2.700 tỷ đồng. Sở GTVT cùng các sở, ngành thống nhất kiến nghị UBND thành phố chuyển sang đầu tư công và trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư…
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong lưu ý Sở GTVT và các đơn vị liên quan cần tập trung ưu tiên cho những dự án bức bách, giải tỏa ùn tắc, đồng thời, rà soát từng dự án một để xác định cụ thể hình thức đầu tư, thời gian, tiến độ cụ thể. Riêng dự án đường vành đai 2, thành phố sẽ tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng riêng, dùng vốn ngân sách để thực hiện. Đối với dự án xây lắp, có thể vẫn triển khai hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Để việc lập dự án khả thi hơn, thành phố sẽ hình thành một quỹ với kinh phí ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu các dự án, thay vì giao trực tiếp cho các nhà đầu tư như trước đây. Đối với những dự án BT, hướng thực hiện sắp tới là chỉ thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư khi dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, không giao trước như thời gian qua.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan gấp rút thực hiện ngay và nhấn mạnh: “Trong tháng 7-2019, Sở GTVT phải hoàn chỉnh các thủ tục, báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư công đoạn 1 và đoạn 2 tuyến đường vành đai 2. Đối với những dự án BT, một khi đã dùng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, có đất sạch rồi thì phải đấu thầu chọn nhà đầu tư; không giao cho bất kỳ ai…”.