Đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 20 nghìn lượt khách quốc tế

NDO -

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2022 ước đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. 

(Infographic: Tổng cục Thống kê)
(Infographic: Tổng cục Thống kê)

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/1 cho biết, do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 và một số đường bay quốc tế thường lệ đã được khôi phục bắt đầu từ tháng 01/2022, khách quốc tế đến Việt Nam dần tăng trở lại.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 17,4 nghìn lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 2,3 nghìn lượt người, chiếm 11,9% và giảm 64,2%; bằng đường biển 10 lượt người, chiếm 0,1% và giảm 76,7%.

Báo cáo cũng cho biết, doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 1/2022 ước tính giảm 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một địa phương có doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là: Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 95,2%; Bình Định giảm 77,5%; Đà Nẵng giảm 76%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 74,3%; Quảng Ninh giảm 66,7%; Cần Thơ giảm 50,7%; Kiên Giang giảm 50,6%; Hà Nội giảm 7,2%.

Chậm nhất là 30/4-1/5 phải mở lại toàn bộ hoạt động du lịch

Trong ngày 29/1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các kiến nghị do Hiệp hội Du lịch đề xuất, công bố cụ thể lộ trình mở lại hoạt động du lịch an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về giải pháp khôi phục du lịch quốc tế. Trong đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép khôi phục lại các chính sách về visa cho khách du lịch mà Việt Nam đã thực hiện từ trước năm 2020, đặc biệt đối với các nước là thị trường nguồn chủ yếu của du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và 4 nước Bắc Âu.

Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, quy định khách phải có kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam là không thực tế.

Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2-3 ngày mới đến Việt Nam, việc xét nghiệm PCR để có kết quả âm tính trước khi nhập cảnh là điều không thể thực hiện được.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị nên quy định khách chỉ cần có kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay...

Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng thời điểm mở cửa đón khách quốc tế không cần quy định là từ ngày 1/2; 1/3 hay 1/5 mà cần hiểu là sẽ bắt đầu từ khi Thủ tướng ban hành việc khôi phục chính sách visa như giai đoạn trước năm 2020 và ban hành các quy định mới, rõ ràng và thống nhất cả nước về phòng chống dịch Covid-19 trong đó xác định không cách ly đối với khách có đủ điều kiện nhập cảnh.

Tùy theo năng lực của mình, các doanh nghiệp và địa phương sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón và phục vụ khách vào thời điểm thích hợp…

Trước đó, ngày 27/1, về lộ trình mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chỉ rõ, chậm nhất là 30/4-1/5 phải mở cửa lại trên tinh thần an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích cực mở rộng hoạt động thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua, nếu điều kiện chín muồi có thể đẩy sớm hơn.

Những điểm du lịch đã hoàn thành tiêm vaccine mũi bổ sung trong độ tuổi thì có thể đón khách quốc tế. Các tour du lịch có thể thay đổi lộ trình, thời gian tham quan với điều kiện thông tin đầy đủ cho cơ quan quản lý.

Cùng với việc mở lại các đường bay thương mại cần tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như cách ly, xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những người chưa tiêm. Việc mở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế phải đồng bộ cả đường bộ, đường biển, đường hàng không.