Dấu hiệu hình thành một liên minh mới đối phó mối đe dọa khủng bố

Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra ở thủ đô Asmara của Eritrea, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Eritrea và Somalia đã cam kết hợp tác về an ninh khu vực, trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn ở vùng Sừng châu Phi. Ðộng thái này báo hiệu sự hình thành một liên minh mới trước mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng ở khu vực.
Hiện trường sau một vụ khủng bố tại Somalia. Ảnh: Reuters
Hiện trường sau một vụ khủng bố tại Somalia. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Asmara được Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki triệu tập, với sự tham dự của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Somalia Hassan Sheikh Mohamud. Diễn ra trong bối cảnh lo ngại bất ổn gia tăng ở vùng Sừng châu Phi do một loạt vấn đề nghiêm trọng, trong đó có cuộc xung đột ở Sudan và căng thẳng ở Biển Ðỏ, Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Asmara là cơ hội để ba quốc gia trong khu vực thảo luận các biện pháp phối hợp hành động ứng phó thách thức.

Hàng loạt vấn đề nóng như chống khủng bố, an ninh ở Biển Ðỏ, cuộc khủng hoảng ở Sudan và tình hình ở Somalia đã được thảo luận. Các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung cam kết tăng cường quan hệ ba bên nhằm cải thiện sự ổn định ở khu vực.

Là ba quốc gia giàu tài nguyên có bờ biển nằm ở cửa ngõ phía nam và phía bắc của Biển Ðỏ, hợp tác giữa Ai Cập, Eritrea và Somalia mang lại cơ hội cho sự phát triển của mỗi nước. Các Tổng thống Eritrea, Ai Cập và Somalia nhấn mạnh về an ninh và hợp tác giữa các quốc gia ven biển Biển Ðỏ và Eo biển Bab el-Mandeb, đồng thời khẳng định cần tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng nêu bật sự cần thiết phối hợp các nỗ lực chung để đạt được sự ổn định và tạo dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển chung bền vững trong khu vực.

Khu vực Sừng châu Phi lâu nay phải chống chọi mối đe dọa an ninh từ các lực lượng thánh chiến. Trong hơn 16 năm qua, Chính phủ Somalia đã phải nỗ lực chống lại cuộc nổi dậy của nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabab, một nhóm có liên kết với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Các yếu tố chính góp phần gây mất an ninh trên khắp Somalia là xung đột vũ trang giữa lực lượng an ninh Somalia và nhóm khủng bố Al-Shabab, xung đột giữa các bộ tộc và các cuộc tấn công bừa bãi của các phần tử thánh chiến, trong khi tình hình chính trị và an ninh chung ở Somalia vẫn còn nhiều bấp bênh và biến động.

Tại hội nghị lần này, Ai Cập và Eritrea khẳng định ủng hộ nỗ lực của Somalia khôi phục an ninh và ổn định, đối phó khủng bố, bảo vệ biên giới và duy trì toàn vẹn lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thành lập ủy ban gồm bộ trưởng ngoại giao ba nước để thúc đẩy hợp tác chiến lược. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, việc ba nước Ai Cập, Eritrea và Somalia nhất trí phối hợp và tăng cường hợp tác trong các vấn đề chiến lược tạo nên một liên kết an ninh mới ở khu vực.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng, điều này có thể càng gây tổn hại tới mối quan hệ vốn đang xấu đi của các nước này với Ethiopia. Mối quan hệ giữa Ethiopia và Somalia vốn xấu đi nhanh chóng kể từ tháng 1/2024 sau khi Somaliland - vùng đất ly khai khỏi Somalia, nhưng không được quốc tế công nhận, ký thỏa thuận cho Ethiopia thuê 20 km bờ biển trong 50 năm.

Ai Cập lâu nay cũng có mâu thuẫn với Ethiopia, đặc biệt là về Ðập thủy điện Ðại phục hưng được xây dựng trên sông Nile Xanh, điều mà Cairo cho là đang đe dọa nguồn nước quan trọng của mình. Mối quan hệ giữa Ethiopia và Eritrea gần đây cũng xấu đi.

Tìm giải pháp đối phó mối đe dọa khủng bố luôn là bài toán hóc búa đối với các nước ở khu vực Sừng châu Phi. Và hợp tác xuyên biên giới luôn là nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn tồn tại những khác biệt lợi ích giữa các nước, việc thành lập một mặt trận chung chống khủng bố ở vùng Sừng châu Phi còn đối mặt nhiều thách thức.