Đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó

Tháng 12/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đấu giá bốn lô đất thuộc Khu chức năng số 3 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
0:00 / 0:00
0:00

Kết quả đấu giá đã gây xôn xao dư luận khi giá đấu thành công gấp từ 4 đến 8 lần giá khởi điểm, cá biệt có lô đất giá đấu thành công lên đến 2,4 tỷ đồng/m2, tổng số tiền dự kiến thu được hơn 37.000 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm.

Thế nhưng, đến thời hạn nộp tiền, tất cả các công ty trúng đấu giá đều không thực hiện hợp đồng, chấp nhận bỏ tiền cọc khiến Thành phố Hồ Chí Minh phải hủy các hợp đồng này. Sau đó, với sự khủng hoảng của thị trường bất động sản, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước bị chững lại và gặp không ít khó khăn.

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những phương thức quan trọng để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế; đồng thời, tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản, bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người sử dụng đất.

Những năm gần đây, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách tại mỗi địa phương (bình quân từ 15% đến 17% tổng thu ngân sách hằng năm). Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, thì nguồn thu từ đấu giá đất là nguồn lực quan trọng để thành phố điều tiết chi tiêu ngân sách.

Sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm không thành công vào tháng 12/2021 cùng với sự khủng hoảng của thị trường bất động sản đã khiến việc đấu giá đất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác lâm vào tình trạng khó khăn.

Theo kế hoạch, nếu đấu giá bốn lô đất tại Thủ Thiêm thành công, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đấu giá khoảng 30 lô đất khác nhưng kế hoạch này đã phải tạm dừng. Kể từ đó đến nay, sau hơn một năm, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố gần như bị đình trệ.

Không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng các phiên đấu giá không có người đăng ký tham gia, cùng với đó là tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng diễn ra với tần suất nhiều hơn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong năm 2022, nhiều địa phương đã không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đối với hạng mục đấu giá quyền sử dụng đất, dự báo năm 2023 thị trường bất động sản tiếp tục suy giảm, việc thu ngân sách từ đấu giá đất sẽ càng khó khăn hơn.

Trên tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, tháng 3/2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch bán đấu giá lần thứ tư đối với 3.790 căn hộ chung cư của khu tái định cư Bình Khánh thuộc "đất vàng" Thủ Thiêm sau ba lần đấu giá trước không thành công. Đồng thời, thành phố cũng tiếp tục triển khai phương án bán đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ thực hiện quy trình tính lại giá khởi điểm của các lô đất này do kết quả tư vấn, thẩm định giá trước đây đã hết hiệu lực.

Theo ông Hoan, do chưa sàng lọc nhà đầu tư, kiểm soát chặt, doanh nghiệp nào cũng tham gia được, dẫn đến tình trạng "chân gỗ", tức chen nhau miễn sao giành được, sau đó có một bên khác chịu trách nhiệm bơm vốn.

Để tránh tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc, ông Hoan cho rằng, phải đưa ra các tiêu chí then chốt để lựa chọn, sàng lọc các đối tượng tham gia đấu giá, bảo đảm lựa chọn được những doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, nguồn lực vốn…"Những doanh nghiệp mới thành lập 1-2 tháng, tổng vốn chỉ vài chục tỷ đồng, thậm chí chỉ 1 tỷ đồng thì phải loại ngay lập tức bởi không đủ điều kiện tham gia". Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu đối tượng tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, sau khi trúng đấu giá phải nộp 50% tổng giá trị trong thời hạn 1 tháng và 50% còn lại trong 90 ngày... Song song với đó, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá theo quy định đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa của những vấn đề trong đấu giá quyền sử dụng đất là do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế, chồng chéo dẫn tới tình trạng không thống nhất giữa Trung ương và địa phương, chưa bảo đảm đúng trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của pháp luật, giá khởi điểm không đúng, đối tượng tham gia đấu giá không đủ điều kiện, thiếu khách quan.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến, vấn đề cốt lõi là phải hoàn thiện và đồng bộ các quy định liên quan đến pháp lý về quản lý đất đai, trong đó căn nguyên là sửa đổi Luật Đất đai trên cơ sở quán triệt tinh thần thể chế đầy đủ chính sách về đất đai theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.