Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại

Ghi chép:

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại

NDO - Nhiều người dân Việt Nam ai cũng muốn được về thị xã Quảng Trị, trong đó có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - không gian thiêng liêng trong tháng 7 năm nay nhân kỷ niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ để tham gia các chương trình tri ân Đêm hội hoa đăng; Khát vọng hòa bình; Thắp nến ở nghĩa trang liệt sĩ… với tấm lòng thành kính dâng nén nhang thơm cho những người con của Tổ quốc không tiếc tuổi xuân, ngã xuống đất này để đổi lấy hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước.

Mỗi mét vuông đất là một mét vuông máu

Câu chuyện 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị luôn được nhiều cựu chiến binh, người dân kể cho các thế hệ con cháu nghe một cách kiêu hãnh, đầy tự hào. Sau thắng lợi của chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ của chiến trường miền nam là giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị để giành thắng lợi trên bàn ngoại giao.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Quảng Trị-Thừa Thiên làm hướng chiến lược chủ yếu. Thực hiện chủ trương đó, bằng cuộc tấn công chiến lược mùa Xuân 1972 của các đơn vị bộ đội chủ lực, diễn ra từ 30/3-1/5/1972, chúng ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

Tức tối trước thất bại đau đớn này, từ ngày 28/6/1972, đế quốc Mỹ và quân đội của chính quyền miền nam cũ mở cuộc hành quân với mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm Quảng Trị, đặc biệt là toàn bộ thị xã Quảng Trị, từ đây mở đầu cho chiến dịch 81 ngày đêm Quân Giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị.

Chiến dịch này diễn ra trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã bước sang năm thứ 4 và đang đi tới giai đoạn quyết định. Vì vậy, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khốc liệt. Dưới sự đánh phá tàn bạo của bom thù, các chiến sĩ Quân Giải phóng vẫn kiên cường bám trụ từng mét thành, giành giật với địch từng điểm chốt, từng đoạn công sự trận địa, bảo vệ thị xã và Thành cổ 81 ngày đêm, thời gian dài gấp 8 lần dự kiến ban đầu của địch, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị, ngoại giao, trực tiếp tạo thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại ảnh 1

Vượt đoạn đường xa, Đoàn Hội cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị 1972 của thành phố Thái Bình vào Thành Cổ dâng hương tri ân đồng đội.

Cựu chiến binh Thành cổ Võ Ngọc Huy ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình năm nay 75 tuổi, trở lại Thành cổ Quảng Trị dâng hương cho đồng đội, chùng giọng: Hôm nay là lần thứ hai trong đời chúng tôi về đây dâng hương cho các anh. Được sống trong hòa bình chúng tôi luôn tâm nguyện phải sống thay cho các đồng đội đã ngã xuống, phải sống ra sao để xứng đáng với sự hy sinh của các anh.

Ngày ấy ông Võ Ngọc Huy thuộc lính Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Ông Huy cho biết, khi tái chiếm thị xã và Thành cổ Quảng Trị, quân đội đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam đã dội bom đạn xuống đất này không thương tiếc. Cuộc chiến đấu của Quân Giải phóng diễn ra như huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường. Mỗi giây phút trôi qua được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của biết bao lớp chiến sĩ. Thành Cổ Quảng Trị và cả thị xã nhuốm một màu đen sì của khói đạn. “Lò lửa” Thành Cổ tăng nhiệt suốt ngày, bom đạn nổ vang rền.

Đến ngày 16/9, chiến dịch kết thúc, Thành cổ Quảng Trị cùng các công trình nhà cửa ở thị xã này bị sụp đổ tan hoang, gạch đá, bom đạn chồng chất ngổn ngang, làm mặt đất khu vực này dày lên gần 0,5m. Các nhà chuyên môn quân sự đã tính toán số lượng bom đạn Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương 7 quả bom nguyên tử, loại Mỹ ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Trong 81 ngày đêm đó, hàng nghìn chiến sĩ Quân Giải phóng đã kiên quyết chiến đấu anh dũng, hy sinh, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành Cổ, hòa vào đáy sông Thạch Hãn.

Chiến thắng của chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng thiêng liêng tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm Thành Cổ đã khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự. Những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm lịch sử đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Chiến thắng của chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng thiêng liêng tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Với mưu đồ tạo lá chắn thép nhằm ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng và sự chi viện của miền bắc cho chiến trường miền nam, đối phương đã bố trí ở Quảng Trị những đơn vị thiện chiến và xây dựng các căn cứ vững chắc ở các điểm 544, Động Toàn, Động Mầu, Bái Sơn theo Đường 9 đến Dốc Miếu, nam sông Bến Hải, hình thành tuyến phòng thủ vững chắc từ nam tỉnh Quảng Trị đến đèo Hải Vân với chiều sâu khoảng 150km.

Về phía ta, để đánh bại âm mưu tái chiếm Quảng Trị bằng cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của quân đội Mỹ và chính quyền miền nam cũ, Thường vụ Quân ủy trung ương chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch chuyển sang phản công và chuyển vào phòng ngự quy mô cấp chiến dịch. Các lực lượng của ta đã kiên cường ngăn chặn địch, chiến dịch bắt đầu từ ngày 28/6/1972. Khi chuyển vào phòng ngự, lực lượng của Quân Giải phóng gồm Sư đoàn 325, Sư đoàn 320B, Sư đoàn 308, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324, Sư đoàn 312 và các đơn vị Hải quân, Phòng không, Pháo binh, Xe tăng-Thiết giáp, Công binh, Đặc công, Thông tin, Hóa học… vận tải cùng các lực lượng vũ trang nhân dân 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã hoàn thành nhiệm vụ.

Bắt đầu cho những điều tốt đẹp nhất

Những ngày này hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với Thành Cổ Quảng Trị, ai cũng lòng thành kính, họ về đây trên tay cầm những bông hoa để gửi xuống dòng Thạch Hãn.

Thông thường, ngày 14 âm lịch hằng tháng, thị xã Quảng Trị tổ chức Đêm hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, vừa góp phần tạo ra nét đặc biệt cho sản phẩm du lịch địa phương. Nhưng ngày 13/7 (tức là ngày 15/6 âm lịch) năm nay là một ngày đặc biệt, thị xã Quảng Trị tổ chức kỷ niệm sự kiện 50 năm chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Vì vậy cựu chiến binh khắp nơi trên cả nước từng tham gia chiến dịch Thành Cổ đều trở về đây để dự lễ hội Đêm hoa đăng. Nhiều người còn đưa theo gia đình, con em của mình để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những ngày lịch sử hào hùng, gian lao của cha ông kiên quyết chiến đấu giữ gìn đất nước.

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại ảnh 2

Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trong dòng người đến với đêm hoa đăng ấy, có một phụ nữ thành kính đứng bên một góc của Nhà hành lễ bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn. Cô khẽ gọi điện báo cho bố biết mình đang thay bố thả những hoa đăng xuống sông Thạch Hãn cho đồng đội của bố đã nằm lại dưới đáy sông sâu để cho đất nước được hòa bình, độc lập, cho nhân dân được ấm no hạnh phúc. Bố của cô, năm nay ngoài 80 tuổi biết rằng, thị xã Quảng Trị đang tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, nên trước đó cụ luôn tâm niệm cố gắng đến thị xã Quảng Trị để cùng đồng đội tham dự sự kiện linh thiêng này. Rồi tuổi cao, sức yếu nên cụ đành phải gác lại ước muốn, đợi ngày sức khỏe bình thường cụ sẽ trở lại dâng hương và thả hoa đăng cho đồng đội.

Như hiểu được mong muốn của đấng sinh thành, cô con gái livestream để cho bố thấy không khí đêm hoa đăng linh thiêng, trang trọng và quay lại hình ảnh hoa đăng trôi trên sông Thạch Hãn từ bờ bắc sang bờ nam như hình tượng những chiến sĩ Quân Giải phóng đang vượt sông vào Thành cổ, gửi ngay về cho bố xem để thỏa lòng thương nhớ những đồng đội tuổi hai mươi mãi mãi không trở về.

Đến khi Ban tổ chức mời du khách xuống thả hoa đăng, cô từ tốn xuống tận bậc cấp cuối cùng của bến thả hoa, thắp nến cho từng hoa đăng rồi nhẹ tay đặt xuống lòng sông, đợi từng hoa đăng từ từ trôi ra xa, về với các anh. Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết, bố mình là chiến sĩ Quân Giải phóng, tham gia chiến dịch Thành Cổ từ ngày 27/7/1972, đến ngày 2/8/1972 thì bị trúng đạn pháo của quân đội Mỹ, cả tiểu đội hy sinh chỉ còn 1 người sống sót và ông bị thương nặng.

Trong đêm tối đồng đội cáng ông ra khỏi thành, không may đến nhầm chốt của lính đối phương. Khi phát hiện ra tiếng nói miền nam, người đồng đội sống sót và chỉ bị thương nhẹ ấy lại cáng ông quay trở ra. Sau đó, ông được đưa ra bắc điều trị và tiếp tục lên đường vào miền nam, theo các cánh quân vào giải phóng Sài Gòn năm 1975. Cuộc đời chinh chiến của người lính đi B năm xưa trải qua nhiều mặt trận, nhưng với ông, không có nơi nào khốc liệt nhưng những ngày ngắn ngủi chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Ký ức ấy không thể phai mờ và ông đã kể lại cho người con gái, để thôi thúc cô hầu như năm cũng phải đến Thành cổ những ngày tháng 7 lịch sử…

Tình người Quảng Trị

Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Trị Nguyễn Thị Mai Anh day dứt, người dân thị xã Quảng Trị hôm nay sống bình an trên mảnh đất được tạo dựng từ xương máu của hàng nghìn anh hùng liệt sĩ. Thị xã đã hồi sinh mạnh mẽ, nhân dân chung tay xây dựng quê hương mình ngày càng khang trang hơn.

Tuy nhiên, đã 50 năm trôi qua nhưng mỗi lần người dân thị xã đào đắp, xây dựng các công trình là mỗi lần gặp hài cốt liệt sĩ. Như thể là đạo lý luôn nhắc nhở người dân, trong từng nhát cuốc, thớ đất được đào lên họ không bao giờ thờ ơ với các hiện vật như hạt cúc áo Tô châu, đôi dép cao su, ngòi bút máy… Dẫu công việc có gấp gáp bao nhiêu, họ vẫn đào thêm vài tấc đất, cố công tìm kiếm với hy vọng các anh đang nằm lại lạnh lẽo nơi này.

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại ảnh 3
Cầu Thành cổ vừa mới xây dựng bắc qua sông Thạch Hãn.

Ông Phạm Lý Chánh, 106 tuổi ở Phường 1, thị xã Quảng Trị, những năm còn khỏe, cứ mỗi lần phát hiện được hài cốt liệt sĩ, liền đứng ra cùng bà con và cơ quan chức năng lo đám tang cho các anh rồi đưa về an táng nghĩa trang liệt sĩ. Dẫu không linh đình nhưng cũng không bỏ sót nghi thức nào, như nghĩa cử đối với người không may vừa qua đời vậy. Người lớn tuổi dựng rạp, làm bàn thờ, thanh niên kết vòng hoa tưởng niệm, bà con mang nhang đến viếng.

Nhà nào ở thị xã Quảng Trị ít nhất cũng có một am thờ vọng liệt sĩ. Ngày rằm, mồng một hằng tháng khói nhang nghi ngút trên từng bát hương để các liệt sĩ thêm ấm lòng.

Trong tâm niệm của người dân thị xã Quảng Trị, lúc hy sinh các anh còn rất trẻ, nhiều người chưa có gia đình. Nên người dân trong các khu phố vận động nữ sinh nâng tiểu sành trước khi đưa tiễn các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người có điều kiện kinh tế khá hơn còn đứng ra lo mọi chi phí cho việc nghĩa này. Trách nhiệm với người ra đi vì đất nước luôn được người dân thị xã Quảng Trị thể hiện bằng những việc làm cao cả và cảm động như vậy đó. Rồi người dân tự nguyện lập am thờ vọng các anh hùng liệt sĩ đặt trước mỗi ngôi nhà rất trang nghiêm và thành kính. Nhà nào ở thị xã Quảng Trị ít nhất cũng có một am thờ vọng liệt sĩ. Ngày rằm, mùng một hằng tháng khói nhang nghi ngút trên từng bát hương để các liệt sĩ thêm ấm lòng.

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại ảnh 4
Du khách đến thăm Di tích Thành cổ Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị - Nghĩa trang không nấm mồ - nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đang được 10 cán bộ của Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị chăm sóc. Chị Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban cho biết, những ngày cao điểm ban đón hơn 1.500 du khách đến dâng hương. Công việc mệt nhọc nhưng anh chị em cảm thấy vinh dự. Suốt ngày đón khách, tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, thuyết minh cho du khách hiểu hơn về sự hy sinh vì chính nghĩa của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, tối đến mỗi người chia nhau một góc Thành cổ dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để sáng hôm sau kịp đón khách trở lại. Rồi hằng ngày bình minh lên, trước khi đón khách, các anh chị với lòng thành kính, lần lượt dâng hương ở tượng đài chính và hơn 10 vị trí khắp Thành cổ như Đài chứng tích sinh viên; Bia tưởng niệm K3 Tam Đảo, Đàn âm hồn… để lòng mình thêm được chút thanh thản cho ngày phục vụ công việc tri ân tiếp theo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang: Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ thiêng liêng

Sự linh thiêng của Thành cổ Quảng Trị là sự linh thiêng của trùng điệp máu xương các chiến sĩ thấm vào đất, vào sông Thạch Hãn để làm nên thiêng liêng Tổ quốc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm chăm lo làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chính sách đối với người có công. Đặc biệt đầu tư tôn tạo và kêu gọi xã hội hóa xây dựng phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các địa điểm ghi dấu 81 ngày đêm để những nơi này trở thành địa chỉ đỏ thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, thôi thúc chúng ta bồi đắp cho thế hệ trẻ hôm nay lòng tri ân sâu sắc và khát khao vươn lên mạnh mẽ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hòa bình, độc lập bền vững.

Những ngày này, chúng tôi may mắn được gặp Hội cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 của thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình vào dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Bác Đặng Văn Thanh, Chủ tịch hội rưng rưng trong niềm xúc động: “Chúng tôi đã sống qua những ngày tháng khốc liệt của chiến dịch Quảng Trị, chứng kiến nhiều sự hy sinh, mất mát của anh em đồng đội trên mảnh đất này. Niềm vui được trở lại Thành cổ Quảng Trị thắp nhang cho các đồng đội hòa lẫn nước mắt. Thị xã Quảng Trị hôm nay tươi đẹp lung linh và đầy sức sống. Năm tháng qua đi, nghĩa tình với đất và người Quảng Trị vẫn luôn đi cùng chúng tôi trong suốt cuộc đời”.

Đất thiêng Thành cổ day dứt lòng người ở lại ảnh 5

Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao, bên trái là sông Thạch Hãn.

Bây giờ là tháng 7, phượng vĩ Thành cổ đang khoe sắc hoa tuổi học trò, như thì thầm với gió biếc mây ngàn, khi vào chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị các chiến sĩ Quân Giải phóng cũng đang trong độ tuổi đôi mươi đầy lãng mạn. Hình ảnh hoa phượng đỏ với mùa hè rực lửa của tháng 7 Quảng Trị làm day dứt biết bao người.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng: Đã hỗ trợ đắc lực trên bàn đàm phán Hội nghị Paris

Thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972 là lần đầu tiên chúng ta giải phóng một tỉnh miền nam, tiếp giáp với miền bắc xã hội chủ nghĩa, tạo ra lợi thế cho thắng lợi về chính trị, ngoại giao, tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Quảng Trị cùng với thắng lợi của quân dân cả nước năm 1972 đã hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.

back to top