Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương)

“Đặt quy hoạch sử dụng đất quốc gia với phát triển kinh tế xanh”

NDO -

Tuần qua, sau khi Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), ở điểm cầu trực tuyến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề cụ thể được đại biểu và cử tri quan tâm.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Phóng viên: Qua theo dõi các báo cáo và những nội dung thảo luận, đại biểu nhìn nhận thế nào về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030. Cơ sở quan trọng nhất để thảo luận hai vấn đề trên là quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan tham mưu Chính phủ vẫn chưa hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia. Xem xét phụ lục các chương trình, đề án phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế sẽ thấy quy hoạch này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khoảng thời gian 2022- 2023.

Do đó, tôi thấy rất khó cho Quốc hội để xem xét thảo luận hai vấn đề trên do chúng ta chưa có cơ sở, mặc dù sau chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm được Đại hội Đảng thông qua thì điều chúng ta phải có là quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó mới đến các kế hoạch, chương trình, đề án khác.

Phóng viên: Những vấn đề trọng tâm nào trong nội dung báo cáo thẩm tra chung quanh nội dung này đại biểu thấy quan tâm nhất?

“Đặt quy hoạch sử dụng đất quốc gia với phát triển kinh tế xanh” -0
 Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ hai, điểm cầu trực tuyến tại địa phương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Tôi đánh giá rất cao các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp này, nhất là báo cáo thẩm tra quy hoạch sử dụng đất với nhiều nhận định, đánh giá xác thực. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo phải giải trình thỏa đáng các vấn đề mà Ủy ban Kinh tế đã đặt ra để thuyết phục sự đồng thuận của gần 500 đại biểu.

Nếu như quy hoạch quốc gia càng chậm trễ thì có thể sẽ dẫn tới nhiều tỉnh, thành phố khác xin cơ chế, chính sách, trong đó không tránh khỏi tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, đất trồng lúa sang đất phục vụ mục đích công nghiệp.

Chúng ta cần xác định thật rõ lợi thế cạnh tranh các địa phương, cũng như lợi thế cạnh tranh vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đặt trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chủ trương kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nhưng tài nguyên môi trường vẫn lăm le bị chuyển đổi thì chủ trương phát triển xanh và bền vững khó có thể hiện thực hóa được.

Do đó, tôi đề nghị phải đặt quy hoạch này trong chủ trương phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, nhất là khi chúng ta thống nhất việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số thì có cần phải chuyển mục đích sử dụng đất quá lớn như thời gian qua hay không?

Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa với diện tích lớn ở đồng bằng sông Cửu Long - cái nôi lương thực của cả nước thì dường như chúng ta vẫn đặt nặng vấn đề phải phát triển công nghiệp mới có được tăng trưởng, trong khi nông nghiệp trong thời gian đại dịch đã chứng tỏ là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng ta nhất trí chủ trương tăng trưởng xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng theo chiều sâu mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trình kỳ họp lần này cũng nhắc đến, nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất công nghiệp có phải là chúng ta đang khai thác tài nguyên phục vụ cho tăng trưởng hay không?

Phóng viên: Đại biểu có thể phân tích, nhìn nhận thêm vấn đề từ thực tiễn những năm qua tại địa phương và nhiều địa phương khác trong cả nước?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Đánh giá một cách khách quan, tôi cho rằng thời gian qua, Bình Dương đã tận dụng tốt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phát triển các khu công nghiệp, qua đó đã góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi từ một tỉnh thuần nông sang 1 trong 16 tỉnh, thành phố điều tiết lớn ngân sách về cho Trung ương.

Đây là định hướng, chủ trương đúng đắn trong suốt nhiều thập kỷ qua của các thế hệ lãnh đạo tỉnh. Thành quả này là sự đồng thuận lớn trong nhân dân, đồng thời tỉnh đã nhanh chóng và sớm xác định thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và tận dụng tốt tất cả thế và lực cũng như thể chế để bứt phá.

Mặc dù thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư và tận dụng tốt việc chuyển mục đích sử dụng đất, tuy nhiên hiện tại tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cũng chưa thực sự như mong muốn.

Do đó, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tận dụng tốt lợi thế các khu, cụm công nghiệp trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.  

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị thay đổi chính sách về lĩnh vực này?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Thay đổi chính sách về đất đai là thay đổi thể chế về đất đai mà cốt yếu là Luật Đất đai. Trong dự kiến các chương trình, đề án đi kèm kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, dự kiến đến năm 2022 Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi luật này.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương sẽ chủ động phối hợp cùng UBND tỉnh và các ngành để tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự điều chỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trước mắt tôi mong muốn và mong chờ Chính phủ rà soát lại tất cả những quy định được cho là “điểm nghẽn, còn trói buộc” đối với thị trường đất đai trình Quốc hội dự luật trong năm tới nhằm giải phóng hơn nữa nguồn lực này phục vụ cho sự phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!