Đáp ứng nguồn nước cho sản xuất lúa vụ đông xuân

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vụ lúa đông xuân 2023-2024 ở các địa phương vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cơ bản nguồn nước đáp ứng sản xuất. Tuy nhiên, do lịch lấy nước có hai đợt cho nên các địa phương cần chủ động lấy nước phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm đủ phục vụ đổ ải, gieo cấy và tưới dưỡng cho lúa.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân trạm bơm Quế 2, huyện Kim Bảng (Hà Nam) kiểm tra máy móc trước khi vận hành.
Công nhân trạm bơm Quế 2, huyện Kim Bảng (Hà Nam) kiểm tra máy móc trước khi vận hành.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản xuất lúa năm 2023 ở các địa phương phía bắc gặp khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch hại diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến sản xuất. Ngoài ra, vụ đông xuân 2022-2023 gặp rét đậm, rét hại, lượng mưa thấp gây khó khăn cho việc chăm sóc lúa; vụ mùa nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí và lượng mưa thấp đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Tuy nhiên theo đánh giá, sản xuất lúa năm 2023 vẫn đạt được các kế hoạch đề ra. Qua thống kê, năm 2023 các địa phương phía bắc gieo cấy khoảng 2,245 triệu ha lúa với sản lượng đạt 13,121 triệu tấn, năng suất trung bình đạt 58,4 tạ/ha. Riêng vụ đông xuân 2022-2023, năng suất đạt 64,4 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so với vụ đông xuân trước). Hơn nữa, do diện tích gieo cấy lúa chất lượng được mở rộng với diện tích hơn 1,2 triệu ha, giá lúa cao hơn năm trước từ 10 đến 15% cho nên lợi nhuận cũng tăng theo. Theo đó, bình quân chi phí cho sản xuất lúa hai vụ đông xuân và mùa khoảng 35,85 triệu đồng/ha, giá trị thu nhập đạt khoảng 54,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt hơn 18 triệu đồng, tăng khoảng 6,64 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới gắn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, tại tỉnh Hải Dương với mô hình tích tụ ruộng thực hiện được 2.265 ha tại 228 vùng.

Do tích tụ được ruộng đất nên tạo điều kiện cho sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, giúp giảm chi phí, hiệu quả tăng thêm từ 10 đến 15 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ. Còn tại Vĩnh Phúc với mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa quy mô 5.000 ha. Mô hình sử dụng máy cấy giúp sản xuất lúa đúng lịch thời vụ, giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế đạt 31,8 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,8 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân 2023-2024 các địa phương phía bắc dự kiến gieo cấy hơn một triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 64,5 tạ/ha, sản lượng khoảng 6,835 triệu tấn. Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Vụ đông xuân năm 2023 gần 500.000 ha ở 11 địa phương vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy lúa từ nguồn phát điện tăng cường từ các hồ chứa thủy điện. Hiện nay, nhiều trạm bơm ở các địa phương như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh... đã được xây dựng thay thế các công trình cũ không đủ khả năng vận hành.

Các trạm bơm mới có thể chủ động vận hành, không hoặc ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện”. Còn theo Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu (Cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng: “Sản xuất lúa vụ đông xuân tới cơ bản nguồn nước được đáp ứng bởi tổng lượng xả từ các hồ chứa thủy điện trong hai đợt lấy nước khoảng 3,5 tỷ m3.

Hơn nữa, hiện nay các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ với lượng tích tương đối cao khoảng 84,5% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, một số công trình lấy nước gặp khó khăn như: Trạm bơm Trung Hà, cống Liên Mạc không đủ điều kiện lấy nước trong cả hai đợt; các trạm bơm mới được nâng cấp Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì (Vĩnh Phúc) đủ điều kiện vận hành trong cả hai đợt nhưng công suất chỉ đạt 50% so với yêu cầu; cống Xuân Quan thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải gặp khó khăn lấy nước trong đợt hai do mực nước thấp”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Trịnh Thế Trường cho biết, từ ngày 25/12 đến trước đợt xả nước đợt một, căn cứ vào tình hình thực tế, Công ty sẽ thống nhất các địa phương tiến hành thay nước trong hệ thống để giảm thiểu ô nhiễm; phối hợp các địa phương quản lý chặt nguồn nước, kiểm tra thực tế, rà soát cân đối nguồn nước. Công ty cũng đề nghị các địa phương hoàn thành tu sửa công trình, nạo vét kênh dẫn, hố hút xong trước ngày 25/12; tận dụng đầu nước cao của đợt xả nước các hồ thủy điện giai đoạn cuối tháng 1/2024 lấy nước đổ ải.

Cũng theo Cục Thủy lợi, để đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, các địa phương cần nỗ lực lấy nước ngay từ đợt một để bảo đảm diện tích có nước cao nhất có thể; do thời gian trữ nước kéo dài cần hướng dẫn nông dân trữ nước vào các vùng trũng, đầm, ao, hồ… và làm đất sớm. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, các địa phương cần vận động người nông dân gieo cấy nhanh chóng để tránh thất thoát nước.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, tùy thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thị trường; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường; khuyến cáo nhân dân mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế…