Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của TP Hồ Chí Minh

Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, nguồn nhân lực (NNL) với chất lượng, trình độ cao có ảnh hưởng, mang tính quyết định đến chất lượng, tốc độ, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đất nước. Với một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng NNL chất lượng cao là yêu cầu cần thiết trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Thầy và trò lớp Quản lý Nhà nước đầu tiên của Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, nơi đào tạo nguồn cán bộ chuẩn hóa của thành phố.
Thầy và trò lớp Quản lý Nhà nước đầu tiên của Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, nơi đào tạo nguồn cán bộ chuẩn hóa của thành phố.

Với vị trí đặc biệt của mình, TP Hồ Chí Minh luôn được nhiều người giàu bản lĩnh, năng lực chọn làm nơi lập nghiệp. Sau ngày đất nước thống nhất, TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo lực lượng lao động, trong đó có không ít nhân tài khắp mọi miền đất nước đến góp phần dựng xây thành phố. Đất nước đổi mới, mở cửa và với sự năng động, hào hiệp, nghĩa tình của các thế hệ lãnh đạo thành phố, đô thị phương nam này luôn dang tay chào đón những người có chí tiến thủ, cống hiến.

Tất nhiên, trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh không chỉ biết “hút” nhân lực, người tài của nơi khác, mà còn luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng NNL chất lượng cao tại chỗ nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đó là yêu cầu cần thiết, khách quan của một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.

Hai kỳ đại hội gần đây, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh luôn xác định việc nâng cao chất lượng NNL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố. Đại hội lần 9 (nhiệm kỳ 2010-2015) của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã xác định nâng cao chất lượng NNL phục vụ yêu cầu CNH, HĐH là một trong sáu chương trình đột phá của thành phố trong giai đoạn này. Qua 5 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả khá tích cực, gắn với nhu cầu xã hội ở từng lĩnh vực. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt hơn 70%; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia khoa học, kỹ thuật có chuyên môn cao trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 30% của cả nước; hơn 70% số công chức, viên chức có trình độ đại học, trên đại học, 40% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên… Tuy vậy, chất lượng NNL vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Việc triển khai thực hiện một số chương trình nhánh của Chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” còn chậm, chưa sát hợp với thực tế…

Đến Đại hội lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng bộ TP Hồ Chí Minh tiếp tục chọn chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là chương trình đầu tiên trong bảy chương trình đột phá của thành phố trong suốt giai đoạn 2015-2020. Yêu cầu đặt ra với chương trình này là vừa nâng cao chất lượng NNL chung, vừa chú trọng xây dựng NNL có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ; tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

Sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hành động, trong đó chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” được xem đây là xương sống, là động lực quan trọng nhất để phát triển thành phố trong những năm tới. Cụ thể hơn, TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện sáu chương trình nhánh của chương trình đột phá “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, gồm: NNL cho hệ thống chính trị; NNL cho ngành y tế; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân.

Chương trình hành động của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng để thực hiện.

Mỗi chương trình nhánh đều có ý nghĩa riêng và tác động, bổ sung cho nhau. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng hình ảnh về một thành phố khởi nghiệp với mục tiêu đạt 500 nghìn doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, do vậy, chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân có một vị trí quan trọng với “đầu tàu” kinh tế của đất nước. Theo đó, xây dựng đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý DN có trình độ quốc tế, có năng lực quản trị, điều hành DN thích ứng với môi trường liên kết và hợp tác toàn cầu.

Cụ thể, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng quản trị DN và thương mại quốc tế cho hơn 30 nghìn lượt cán bộ quản lý các tổng công ty, công ty trực thuộc và đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp của các DN nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đào tạo đội ngũ doanh nhân gắn với yêu cầu hội nhập sâu rộng sau khi các hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đa phương có hiệu lực. Cùng với đó, tạo môi trường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo có tính hội nhập và giao lưu quốc tế cao cho đội ngũ quản trị DN để phát triển lực lượng doanh nhân trong tương lai.

Để có được những doanh nhân giỏi, giàu bản lĩnh thì thương trường chính là trường học lớn. Tuy vậy, với những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp, việc học hỏi kinh nghiệm từ thực tế là rất cần thiết, nhưng cũng cần phải có kiến thức nhất định. So với nhiều địa phương khác, TP Hồ Chí Minh có ưu thế khá vượt trội trong việc đào tạo, cung cấp NNL có chất lượng cho nhiều lĩnh vực nhờ có gần 70 trường đại học, cao đẳng và học viện đang hoạt động.

Phát huy truyền thống của một ngôi trường đã đào tạo nhiều nhà quản lý kinh tế, doanh nhân thành đạt, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực cho các doanh nhân trẻ, DN khởi nghiệp. PGS, TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng UEH cho biết: Trong thời gian tới, UEH sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho các DN. Tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để mở rộng giao lưu, hợp tác, tạo sự kết nối giữa các DN. Tìm kiếm, kêu gọi các nguồn đầu tư để hỗ trợ các dự án, đề án khả thi của các DN. Cùng với đó, thường xuyên giới thiệu các mô hình khởi nghiệp, kinh doanh thành công cho DN…

Với truyền thống năng động, sáng tạo; với định hướng đúng đắn và sự vào cuộc của nhiều giới, nhiều ngành, hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ trong chặng đường sắp tới.