Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Ba năm qua, Trường cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15-Bộ Quốc phòng) được biết đến là một trong những địa chỉ có uy tín về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Hàng nghìn chiến sĩ sau khi xuất ngũ, thanh niên địa phương, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và cả học viên của nước bạn Lào và Campuchia lựa chọn trường là nơi học tập, rèn luyện.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Trường cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15-Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hành cho học viên lớp điện dân dụng.
Thầy giáo Trường cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15-Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hành cho học viên lớp điện dân dụng.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt sau một vòng kiểm tra các lớp học trở về, Trung tá Nguyễn Xuân Hiển, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề số 21 cho biết, cùng với làm tốt công tác tuyển sinh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo các khoa thực hiện tốt nội dung, chương trình kế hoạch huấn luyện đào tạo đề ra; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh các hoạt động hội thi, hội thao, tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên, tăng cường kiểm tra, dự giảng, góp phần xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực; học viên ra trường có năng lực công tác tốt, có đạo đức và tay nghề cao. Nhà trường chú trọng đến chất lượng đào tạo, gắn đào tạo nghề với việc giải quyết, tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên. Bởi vậy, 100% học sinh, sinh viên và học viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định.

"Bí quyết" để Trường cao đẳng Nghề số 21 lúc nào cũng có đông học viên ở các khóa đào tạo là thường xuyên tổ chức hội nghị "Tuyển sinh-Kết nối nhà trường với doanh nghiệp". Việc làm đó giúp nhà trường chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; có được số liệu phân tích nhu cầu lao động các nghề cung cấp để học sinh, sinh viên lựa chọn. Đồng thời, nhà trường còn quan tâm, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo, mở các lớp theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên. Nhà trường cũng cử cán bộ về các đơn vị quân đội, địa phương để tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm trong và ngoài nước; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và tạo nguồn xuất khẩu; chủ động phối hợp đào tạo với các học viện, trường đại học, cao đẳng để đào tạo liên thông bậc đại học, tương đương đào tạo hệ chính quy và tại chức. Nhà trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận cho phép đào tạo 28 mã ngành, với ba trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, tập trung vào các ngành như: Điện lạnh, điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ hàn, điều dưỡng, dược, công nghệ ô-tô, lái xe...; thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng tư vấn, tuyển sinh và hướng nghiệp. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà trường đã đào tạo được 14.361 học viên; trong đó có 1.400 học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số; 13.056 học viên đã tốt nghiệp, tất cả ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Học viên Rơ Châm Sua, 19 tuổi, dân tộc Gia Rai ở xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Em đang theo học lớp trung cấp hàn cơ khí K2 được gần một năm. Về đây học tập, em và các bạn được ở trong khu ký túc xá gần với trung tâm học. Lúc mới vào học, tiếp xúc với cái gì cũng thấy lạ, bỡ ngỡ, song nhờ các thầy giáo "cầm tay chỉ việc" cho nên bây giờ em đã thực hành được trên máy cả những mối hàn trong rất khó. Nguyện vọng của em là sau khi học xong được nhà trường giới thiệu để đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như mấy bạn cùng quê học các khóa trước, giờ đã sang bên ấy làm việc thu nhập rất cao".

Đưa tay gạt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, học viên Ksor Tuấn, 21 tuổi, ở làng Mít, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai (nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 21, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3) bộc bạch: "Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi cùng 27 đồng chí cùng đơn vị đăng ký về đây học khóa "Cao đẳng điện công nghiệp", còn hơn một năm nữa thì ra trường. Tôi sẽ về quê rủ thêm mấy anh em mở "tiệm sắt" để làm nhà, cửa, sân vườn cho bà con dân làng. Ở chỗ tôi, nghề này đang "hót"...". Nói rồi, Tuấn cười vui, rất tự tin cho ngày mai lập nghiệp.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thật sự là trung tâm đào tạo uy tín, chất lượng, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường cao đẳng Nghề số 21 đã chú trọng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Nhà trường luôn quan tâm đổi mới công tác hướng nghiệp, kết nối với các đơn vị, hỗ trợ học sinh tiếp cận với các ngành, nghề nhà trường đang đào tạo. Hoạt động tư vấn trực tiếp và mời học sinh đến tham quan, trải nghiệm đã giúp các em có sự tiếp cận sâu hơn với thông tin về ngành, nghề và lựa chọn phù hợp điều kiện của bản thân, nhu cầu xã hội... Cùng với đó, nhà trường mua sắm, trang bị các phương tiện, máy móc hiện đại, tăng cường cho học viên thực hành trên máy và trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao tay nghề đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động; góp phần thu hút, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn chiến sĩ xuất ngũ, thanh niên địa phương và nâng cao uy tín nhà trường.