Đào tạo cán bộ pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nằm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), trong những năm qua, cán bộ và giáo viên Trường cao đẳng Luật Miền Bắc (Bộ Tư pháp) đã tận tụy nuôi, dạy hàng nghìn con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, góp phần tạo nguồn cán bộ tư pháp cho cơ sở, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh của Trường cao đẳng Luật Miền Bắc được nuôi, dạy chu đáo.
Học sinh của Trường cao đẳng Luật Miền Bắc được nuôi, dạy chu đáo.

Hằng năm, Trường cao đẳng Luật Miền Bắc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp luật, song song hệ trung học phổ thông và trung cấp luật, nhưng chủ yếu tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (có trình độ lớp 9 trở lên) để nuôi, dạy. Vì vậy, các em có chế độ hằng tháng, được nuôi, dạy và ở nội trú trong trường.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với các chế độ của Nhà nước, các em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được cấp tiền ăn, quần áo, chăn ấm, sách vở, chúng tôi có trách nhiệm nuôi, dạy trong ba năm cho tới khi các em ra trường”.

Tuy nhiên, học sinh của nhà trường, đa số là con em đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Nùng, Tày... có trình độ từ lớp 9 trở lên khi về trường học, mang theo tập quán của gia đình, làng bản, lối sống tự nhiên, thiếu nền nếp và còn nhỏ tuổi, nên việc nuôi, dạy có những khó khăn, phức tạp đặc thù. Khắc phục những vấn đề này, các thầy, cô giáo nhà trường tận tụy giáo dục, hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, như cách sử dụng các thiết bị vệ sinh, giặt quần áo, thậm chí dạy cả việc đánh răng hằng ngày; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em có lối sống tập thể, đoàn kết, gắn bó…

Khó khăn lớn nhất là các em chỉ được hưởng chế độ hai năm học trung cấp, trong khi đó các em có trình độ lớp 9 trở lên, nên nhà trường phải nuôi, dạy ba năm để học hết chương trình phổ thông trung học và trung cấp luật. Nếu không tuyển trình độ lớp 9 trở lên thì nhà trường sẽ hầu như không có người học. Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu chia sẻ thêm: “Hầu hết các em đều thuộc gia đình dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, kinh tế khó khăn nên chúng tôi buộc phải “co kéo”, cân đối kinh phí chế độ hai năm như quy định để nuôi, dạy các em trong ba năm mà vẫn phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng. Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, các thầy, cô giáo tổ chức để các em tăng gia, như trồng rau, nuôi cá trong quá trình học”.

Nhận sự ủy thác của cha mẹ, các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý coi các em như người thân của mình, nhất là lúc ốm đau. Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, em Sùng Mý Mua, học sinh lớp B4, K12 bị bệnh, phải vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật hai lần. Nhà trường cử cán bộ chăm sóc, vận động, quyên góp 25 triệu đồng trả viện phí.

Ngày được ra viện, Sùng Mý Mua xúc động tâm sự: “Gia đình cháu ở Hà Giang, kinh tế khó khăn. Cháu bị bệnh nặng, phẫu thuật không chỉ một lần, nằm viện điều trị dài ngày rất tốn kém, mắc loại bệnh hiếm nên không được bảo hiểm y tế thanh toán. Nếu không có tình thương, trách nhiệm của nhà trường và các thầy, cô giáo, bạn trong trường thì có lẽ cháu không thể theo học và chữa được bệnh”.

Những năm vừa qua, mỗi năm nhà trường nuôi, dạy khoảng 500 học sinh. Năm học 2023-2024, nhà trường nuôi, dạy 460 học sinh, trong đó có 390 học sinh vừa học hệ trung học phổ thông, vừa học trung cấp luật nên thời gian kéo dài ba năm. Học tại trường, các em được nuôi, dạy, được sống trong môi trường nhân văn, an ninh, an toàn. Học xong chương trình, các em tốt nghiệp, ra trường, nhiều em làm cán bộ tư pháp-hộ tịch ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trở thành những hạt nhân tuyên truyền, vận động gia đình, bà con ở thôn, bản sống và làm theo pháp luật. Số khác làm cán bộ pháp chế cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc học liên thông lên đại học; còn lại làm công nhân.

Mặc dù các em thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, khi vào học tại trường còn nhỏ, năng lực thấp về nhiều mặt, nhưng qua ba năm được nuôi, dạy chu đáo nên đa số các em trưởng thành, trở thành những người có kiến thức về pháp luật, có lối sống tiến bộ, hòa nhập với đời sống xã hội, hầu hết đều có việc làm, trở thành cán bộ ở xã, cán bộ pháp luật của doanh nghiệp, công nhân.