Theo Ban Tổ chức, những năm gần đây, nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành kinh tế dịch vụ chiếm hơn 80% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó các ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm tỷ trọng lớn và nằm trong tốp có nhu cầu cao nhất. Đặc biệt, một số báo cáo còn điểm mặt một số ngành rất cụ thể có tăng trưởng nóng nhất về nhu cầu nhân sự liên quan đến các xu hướng công nghệ hàng đầu đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain, Robot…
Thực tế với hơn 56 triệu lao động chiếm 57% dân số thì Việt Nam được đánh giá đang ở trong thời kỳ dân số vàng, dồi dào về số lượng lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên về chất lượng nguồn nhân lực đang đối diện với nhiều thách thức. Sự thiếu hụt nhân lực công nghệ - kỹ thuật tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã phải đóng cửa trong thời gian qua.
GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ chất lượng cao, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trương thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ chất lượng cao.
Tại diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam năm 2020, thông điệp “Make in Việt Nam” đã một lần nữa được khẳng định, Việt Nam sẽ không chọn làm đại công xưởng của thế giới, sẽ không phải thị trường 100 triệu người làm thuê, là gia công, là lắp ráp… mà Việt Nam sẽ vươn lên, để gia nhập nhóm người dẫn đầu. Để thực hiện đột phá chiến lược này, vai trò của giáo dục nói chung, trong đó, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nói riêng là vô cùng quan trọng.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học của hai bên, Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò là đầu tàu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ; về thực hiện trách nhiệm quốc gia của hai bên với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác nhà trường - doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng về kỹ thuật - công nghệ, đặc biệt trong việc lồng ghép các yếu tố của công nghiệp 4.0 vào đào tạo; đóng góp trực tiếp cho chiến lược phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội…