Dẫn chúng tôi thăm vườn đào, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảy Trác (Phạm Trác), xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, chủ nhân của vườn đào độc nhất tỉnh An Giang tỉ mỉ nâng niu những cành hoa, nụ biếc và cho biết: "Mấy năm nay, thời tiết có thay đổi nên đào ra hoa ít dần. Mình cố chăm bón làm sao để mỗi năm, những gốc đào Nhật Tân này lại ra những nụ đào đỏ thắm, để mùa xuân đất bắc lại về trên đất phương nam".
Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn có độ cao gần 705 m, diện tích hơn 28 nghìn m2, là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, được ví là nóc nhà của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong Ðại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỷ 19 đã miêu tả: "... thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong bảy núi (thường gọi Thất Sơn). Vì núi cao cho nên ít người lên đến chót (đỉnh)". Còn trước đó, theo Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức, ngọn núi này được gọi là núi Ðoài Tốn "... núi Ðài Tốn cao đột ngột, sinh sản các loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre... Cây cối tốt tươi có đường quanh co thông trong núi sâu, dấu người qua lại, gần nơi đồng ruộng, xa có bến nước, kẻ cày cấy, người đánh cá được chia ra từng loại ở nơi chân núi...". Ngày nay, Thiên Cấm Sơn là một trong những điểm du lịch sinh thái, tâm linh hàng đầu khu vực.
Ðể đến với vườn đào ấy, chúng tôi gửi xe dưới chân núi, thuê xe hon-đa chở lên (xe đầu) một trong những phương tiện nhanh, gọn nhất để thẳng tiến lên đỉnh núi Cấm. Ðường lên núi Cấm ngoằn ngoèo, những khúc cua uốn lượn tựa con rồng đang vươn mình quanh triền núi quanh co. Càng lên đỉnh, không khí càng lạnh hơn. Nhiệt độ quanh năm trên đỉnh núi dao động khoảng 180 đến 250C. Thế nên mới hiểu vì sao người ta ví von Thiên Cấm Sơn là Ðà Lạt thứ hai ngay trên vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang.
Gần đỉnh núi, anh xe đầu, người địa phương cho biết: "Ðó là khu vườn của chú Bảy, ông trồng nhiều loại hoa đẹp lắm, hoa lạ trên núi này phần lớn nhờ ông Bảy đem từ nơi khác về gây giống". Vườn hoa là khu đất trải rộng vài ha đất ba-zan nằm thoai thoải theo triền núi. Những cây mi-mô-sa đang ra những búp hoa trắng, những cánh lay-ơn, thược dược, hồng môn... khoe mình, thoang thoảng hương thơm trong ánh nắng dịu mát và những làn gió nhẹ. "Khu vườn này tôi gây dựng hơn chục năm rồi, mấy gốc đào cũng bén duyên với khu vườn từ ngày ấy". Khởi đầu cho câu chuyện về vườn hoa đào Nhật Tân trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ, ông Bảy Trác trần tình.
Vườn đào được ông Bảy bố trí phía sau nhà, nơi thoáng mát và hứng được ánh nắng mặt trời nhiều nhất khu vườn. Có khoảng hơn chục gốc đào đang phát triển khá tốt, vài gốc đã bắt đầu cho ra nụ, hoa sớm. "Ðúng ra, khoảng thời gian này, đào bắt đầu cho ra hoa, nhưng mấy năm nay thời tiết ở đây có sự thay đổi bất thường, nhiều lúc nắng gắt nên hoa cũng ra ít dẫu mình cố công chăm bón. Ðể cây đào thật sự bén rễ, bám trụ với nơi đây cũng là một kỳ công chú ạ!", dẫn chúng tôi thăm vườn đào, ông Bảy chia sẻ.
Vườn hoa đào được ông Bảy Trác trồng vào cuối năm 1997, gần như cùng lúc với "thung lũng hoa đào" nức tiếng xứ Tây Nguyên của nghệ nhân Mười Lời (Bùi Văn Lời). Bảy Trác kể: "Ngày đó, mình cũng chỉ biết cây đào qua sách báo, truyền hình. Ðâu có nghĩ chuyện đem về trồng được cả vườn như vậy. Thế rồi, dịp tình cờ, tôi có chuyến đi Ðà Lạt, gặp ông bạn già là nghệ nhân Mười Lời chuyên nghiên cứu, tháp, ghép cây trồng, hoa cảnh, thấy vườn hoa đào của ông mới trồng đang phát triển khá đẹp, là lạ nên mới ngỏ lời: "Thời tiết ở Ðà Lạt này cũng giống xứ Núi Cấm của tôi, ông chỉ cho tôi cách trồng cây hoa đào này với!". Nghe mở lời của ông Bảy Trác, nghệ nhân Mười Lời chẳng những cho cây giống, chỉ cách chăm sóc mà còn đích thân cùng ông Bảy Trác cùng với 20 gốc đào đem về chăm bón trên đất núi Cấm Sơn. Những ngày đầu khi cây đào bắt đầu bén rễ cũng là thời kỳ khó nhọc nhất. Ông Bảy Trác vẫn còn nhớ như in: "Ban đầu mình đem về mấy gốc đào dại tự nhiên của Tây Nguyên đã được tháp, ghép mầm với cây đào Nhật Tân (Hà Nội) ở Ðà Lạt đem về trồng thử nghiệm. Nhưng cây đào phát triển khá èo uột, chỉ được non tháng đã chết gần hết. Vậy là anh Mười Lời quyết định mang gốc đào núi tự nhiên vùng Ðà Lạt cùng những mầm đào Nhật Tân chính gốc về tháp, ghép ngay trên đất vườn núi Cấm của tôi".
Quyết định ấy đã thành công. Cây hoa đào bắt đầu phát triển xanh tốt, nhưng tiếp tục gặp trở ngại tiếp theo là làm sao để đào ra hoa. Kỹ thuật được áp dụng trên Ðà Lạt để cho đào ra hoa dịp Xuân của nghệ nhân Mười Lời được truyền lại hết sức tỉ mỉ cho ông Bảy Trác. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, ngày Tết đã về mà đào vẫn chỉ trơ trọi cành và lá. "Ðể đào ra hoa cũng là một kỳ công mà thật sự có trải qua những ngày ấy mới hiểu hết cái khó, cái khổ để có được những nụ đào đỏ thắm như bây giờ. Ban đầu mình xử lý cắt da quanh gốc để thúc ép cây không ra lá non. Rồi trước Tết chừng một tháng rưỡi phải lặt lá, tỉa cành. Phân bón vi lượng cho cây đào phải nhập từ nước ngoài về qua mối quen biết của anh Mười Lời. Biết là vậy, nhưng chẳng hiểu lý do gì mà đào vẫn chưa chịu ra hoa. Vậy là tôi tìm sách báo, mua băng đĩa, lên mạng tìm hiểu thêm mới biết rằng, việc thúc nước cho cây đào ra hoa khá quan trọng, trong khi khâu này mình không trực tiếp làm mà để người làm thuê tưới giúp do công việc ở Long Xuyên bám riết, đôi ba tuần mới lên núi một lần". Mùa xuân năm sau, ông Bảy Trác tạm sắp xếp công việc nhà để bắt tay chăm bón cho vườn đào của mình.
Mùa xuân năm 2000, những nụ hoa đào Nhật Tân trên đất Thiên Cấm Sơn ra những cánh hoa đầu tiên. "Cảm giác khó tả lắm, những nụ đào bắt đầu chớm nở, tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền. Mừng một phần vì ước mơ một ngày cây đào sẽ bén rễ, ra hoa trên đỉnh Thiên Cấm Sơn này, phần vì những tháng ngày cực khổ chăm bón đã gặt hái thành công", ông Bảy Trác tâm sự. Những cành hoa ấy, ông nâng niu đem biếu những người bạn thân nhất như món quà đầy ý nghĩa của sắc Xuân hai miền nam - bắc.
Vậy là vườn hoa đào Nhật Tân của ông Bảy Trác trên đỉnh Thiên Cấm Sơn đã sinh sôi, phát triển được hơn chục năm. Hơn chục gốc đào đã bám chặt rễ sâu, những cành đào xanh tốt vươn mình trong tiết trời đất phương Nam. Giáp Tết, những nụ đào chớm nở báo hiệu mùa Xuân mới lại về. Dẫn tôi thăm vườn, bên những cánh đào mỏng manh sắc đỏ hồng rực rỡ, ông Bảy Trác tâm sự: "Mỗi năm đào nở, cảm giác nâng niu từng cành hoa, nụ biếc, cảm giác yên bình sao ấy. Bây giờ, tôi chỉ ước mơ một ngày nào đó sẽ cùng anh Mười Lời hình thành một vương quốc hoa đào thứ hai ở miền nam ngay trên đỉnh Thiên Cấm Sơn này như "thung lũng hoa đào" trên Ðà Lạt. Nhưng, giờ ước mơ ấy chỉ còn một mình tôi theo đuổi khi anh Mười Lời đã ra đi về cõi người hiền. Nếu thực hiện thành công, âu đó cũng là món quà đầy ý nghĩa mà tôi gửi tặng anh Mười Lời nơi chín suối", mắt nhìn xa xôi, ông Bảy Trác trải lòng cùng những cơn gió se lạnh chiều muộn.
Người ta thường ví von: Hoa mai như người con gái miền nam rực rỡ, sôi nổi, nhiệt tình, còn hoa đào như người con gái miền bắc với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm và kín đáo... Mai nở rực rỡ, còn đào thì đằm thắm. Riêng tôi, một người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất phương nam, lần đầu chiêm ngưỡng những cánh đào nở trên quê mẹ đã đem lại một cảm giác lâng lâng khó tả. Hai loài hoa tượng trưng cho tiết Xuân đất nước nở trên cùng mảnh đất, khu vườn như sự hòa quyện của tình quê hương đất nước anh em sum họp một nhà!
Chúng tôi chia tay vườn đào trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ mang cùng những tâm sự của người nghệ sĩ nhiếp ảnh già Bảy Trác và những tâm tư riêng mình mà trong lòng thầm mong một ngày không xa, có dịp trở lại đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ để lại được thỏa sức trải lòng trên vườn đào đỏ thắm ngày Xuân về và để được sống trong cảm giác của mùa xuân đất bắc ngay trên mảnh đất biên giới Tây Nam của Tổ quốc.