Nhiều vụ việc cần phải nhìn nhận khách quan, đúng và đầy đủ bản chất của vấn đề cả về hành vi, con người hoàn cảnh tại thời điểm vi phạm.
Đơn cử như trường hợp đồng chí N.T.D., cán bộ cấp Sở thuộc tỉnh Ninh Bình có vi phạm gây nên những tranh luận trên mạng xã hội trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Đồng chí này đã xưng “mày, tao” với người dân khi thực thi công vụ.
Đó là trong khi chuẩn bị ra về sau khi khảo sát một địa điểm bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường, nhận thấy phản ánh có điểm chưa đúng, đồng chí N.T.D. đã cố gắng giải thích, phân tích cho người dân hiểu nhưng không nhận được đồng thuận.
Nâng cao đạo đức công vụ
Trong lúc nóng giận, đồng chí này đã buột miệng xưng hô không đúng chuẩn mực với 2 công dân ít tuổi hơn mình. Đáng tiếc là sự việc xảy ra trong lúc đồng chí này đang trong khi thực thi công vụ. Hơn nữa, đã được quay phim lại và đưa lên mạng xã hội, dẫn đến những bình luận đa chiều như đã nói ở trên.
Tuy vậy, hầu như những người tham gia bình luận đều không nắm được toàn bộ diễn biến sự việc, không hiểu rõ vấn đề.
Ở vụ việc nêu trên, có thể thấy hành vi của đồng chí cán bộ là chưa chuẩn mực. Nhưng cần phải hiểu rằng trong vụ việc này, chính quyền địa phương đã lập biên bản thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 22 hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình nổ mìn phá đá (hiện có 21/22 hộ nhất trí nhận tiền hỗ trợ).
Tuy nhiên, 2 công dân (là một cặp vợ chồng) có mặt trong vụ việc đã cố tình không chấp hành vì cho rằng mức hỗ trợ không thỏa đáng.
Ngoài ra, công dân này cũng không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với khu đất đang ở. Vị trí ngôi nhà xây dựng trên đất này cách địa điểm nổ mìn 360m, nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng bởi các vụ nổ.
Vì vậy, việc 2 công dân không đồng ý với ý kiến của tổ công tác (do đồng chí N.T.D là tổ trưởng) và có hành vi chống đối cơ quan chức năng gây cản trở đến việc thực thi các quyết định hành chính của chính quyền địa phương và bức xúc đối với tổ công tác.
Do đó, hành vi của 2 công dân cần phải được xử lý bằng các quyết định hành chính phù hợp.
Tuy nhiên, chỉ một hành động, trọng tâm câu chuyện lập tức chuyển sang vấn đề khác. Đó là đạo đức công vụ, là hành vi của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.
Cũng cần phải nói thêm, sau khi sự việc xảy ra, với sự cầu thị và ý thức được hành vi của mình, nên ngay sau đó đồng chí N.T.D đã báo cáo cấp ủy Đảng, tự kiểm điểm, viết thư xin lỗi và tổ chức xin lỗi công khai đối với 2 công dân tại trụ sở chính quyền địa phương về hành vi thiếu chuẩn mực này.
Làm sai thì phải sửa, điều đó là đương nhiên và đối với người đã nhận ra sai lầm và chân thành khắc phục thì điều đó không phải quá khó khăn. Đồng chí N.T.D đã làm được và làm hết sức có thể. Đây là điều cần được nhìn nhận khách quan và hợp lý, hợp tình chứ không như nhiều thông tin trái chiều trên các trang mạng xã hội. Trong đó, có cả những thông tin bình luận tiêu cực, quy chụp đối với hệ thống cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước.
Vấn đề những thông tin tràn lan trên mạng xã hội đã từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với những người liên quan. Việc cá nhân, tổ chức tung tin sai lệch, hoặc là vô ý nói theo cảm tính, theo số đông hay là có chủ ý, mục đích đều làm ảnh hưởng rất lớn đến đối tượng mà nó hướng đến.
Tuy nhiên, đối với một số loại tin giả, tin sai, nhưng không vi phạm Luật hình sự thì việc xử lý hành chính đối với chủ thể đưa tin lại quá nhẹ và chưa giải quyết dứt điểm gốc rễ của vấn đề.
Cần phải coi việc đưa tin sai, tin giả là một tội danh và xử lý theo mức độ nghiêm trọng đối với đối tượng mà nguồn tin hướng đến.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh và cụ thể hơn nữa để mỗi công dân phải có trách nhiệm đối với từng phát ngôn, kể cả phát ngôn, bình luận, đưa tin trên mạng xã hội, kể cả trong trang mạng riêng nếu bị phát tán rộng rãi và gây ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.