Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết này, vì Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; có tác động lan tỏa vùng miền. Hơn nữa, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ yêu cầu phải có chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, các quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa phải phù hợp bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn phát triển mới.
Từ quan điểm đó, các ý kiến đánh giá, nhiều chính sách, nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã thể hiện tương đồng với chính sách đặc thù của các địa phương vừa được Quốc hội ban hành. Những chính sách mới thể hiện tinh thần đổi mới, mong muốn đột phá, tạo tiền đề thay đổi về thể chế trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế, khơi thông chính sách nhằm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo thuận lợi cho địa phương chủ động phát triển.
Đối với các chính sách được đề xuất, cần đánh giá tác động toàn diện về kinh tế-xã hội, môi trường, không làm ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong ưu đãi, làm rõ hiệu quả, giá trị. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước tại địa phương, bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Khánh Hòa, bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành quy định hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ một số khoản thu phân chia; cho phép tỉnh Khánh Hòa được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp và được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên
Về quản lý quy hoạch, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí với quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, song đề nghị trong tổ chức thực hiện cần rà soát, đối chiếu, cập nhật việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay để bảo đảm tính thống nhất.
Về quản lý đất đai, đa số ý kiến trong Ủy ban quy định Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha. Tuy nhiên, đề nghị việc chuyển đổi phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch đã được quyết định; bảo đảm an ninh, quốc phòng; đề cao trách nhiệm, tránh xảy ra sai phạm; Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, tránh diện tích đất trồng lúa, đất rừng ngày càng thu hẹp.
Đáng chú ý, về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đa số ý kiến cho rằng, chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp Nghị quyết 09. Tuy nhiên, cần lưu ý, thứ nhất, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Thứ hai, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.
Về cam kết, nghĩa vụ của nhà đầu tư, đa số ý kiến cho rằng, việc cam kết cần gắn với chế tài cụ thể để có căn cứ xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện, tránh dẫn đến sơ hở, lợi dụng chính sách để hưởng ưu đãi, khó khả thi khi thực hiện. Về thời hạn giải ngân và chuyển nhượng dự án, một số ý kiến cho rằng các quy định này sẽ không mang tính hiệu lực nếu không có chế tài cụ thể và thời hạn không được chuyển nhượng dự án như quy định của Dự thảo là ngắn, dễ lợi dụng chính sách, khó bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, đề nghị quy định biện pháp xử lý trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ và thời hạn dài hơn. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức, địa vị pháp lý, các quy định về vốn điều lệ, tài sản của các tổ chức này để bảo đảm nguồn lực tài chính, có căn cứ rõ ràng, tránh vướng mắc trong thực hiện.
Trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, phần lớn ý kiến cho rằng, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển đối với tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, phù hợp Nghị quyết 09, góp phần giữ vững biển đảo. Do vậy nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc cấp phép, giao khu vực biển chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam để bảo đảm an ninh, quốc phòng và cần kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “núp bóng”.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mới vào nuôi trồng thủy sản xa bờ. Các mức ưu đãi cụ thể có thể vận dụng theo các ưu đãi dành cho địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn một cách phù hợp. Đối với tiền thuê mặt nước, vì đây là khu vực nhạy cảm về quốc phòng, đề nghị không miễn hoàn toàn tiền thuê mặt nước, mà chỉ miễn có thời hạn.
Việc thu một phần tiền sử dụng mặt nước không vì mục đích số thu mà nhằm thể hiện chủ quyền trong các trường hợp tranh chấp phát sinh (nếu có) trong thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung điều khoản quy định việc thu hồi ưu đãi và giấy phép (đầu tư, giao khu vực biển) trong các trường hợp không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, có chế tài xử lý các trường hợp chuyển nhượng thứ cấp cho nước ngoài, lợi dụng hoặc các hoạt động không phù hợp khác.