Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Bắc Cạn

NDĐT- Từ quốc lộ 3 đi về phía Cao Bằng, đến xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) rẽ trái là tới xã Thượng Ân. Tại đây, vào đêm 22-9-1943, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã tuyên bố thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Cạn.

Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Bắc Cạn

Đường vào Thượng Ân thênh thênh giữa núi rừng. Con đường dẫn tới thôn Bản Duồm, nơi có di tích thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Bắc Cạn, trước đây là lối mòn, nay đã được đổ bê tông chắc chắn. Nằm giáp cánh đồng ruộng bậc thang, thác Coỏng Tát vẫn chảy rì rầm như kể lại truyền thống cách mạng vùng đất này. Tại chính địa điểm dưới chân thác, tỉnh Bắc Cạn đã đầu tư xây dựng di tích khang trang với bia tưởng niệm. Vào Thượng Ân bây giờ, đường liên thôn được đổ bê-tông, chạy xen giữa cánh đồng lúa. Ngoài trồng lúa, hằng năm, nhân dân Thượng Ân canh tác thêm một vụ thuốc lá, cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha, đời sống khấm khá hẳn lên.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ân, Doanh Thiêm Duy dẫn chúng tôi đến thăm cụ Doanh Thăng Khảo, em trai của đồng chí Doanh Hằng, một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Chí Kiên. Trong căn nhà cổ, cụ Doanh Thăng Khảo bồi hồi nhớ lại: Năm 1943, tôi mới sáu tuổi, anh Doanh Hằng 18 tuổi nhưng đã nhiệt tình tham gia cách mạng, hoạt động kín trên rừng. Mẹ tôi là bà Đinh Thị Phường tham gia đưa cơm tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Sau khi thành lập Chi bộ Chí Kiên, giặc khủng bố dữ lắm, chúng rào cả thôn lại, riêng nhà tôi, chúng rào hai lớp. Đến năm 1944, chúng bắt cả gia đình tôi và 18 hộ ở trong thôn về trại giam Pá Danh (thị xã Bắc Cạn), khi Nhật đảo chính Pháp mới được thả về.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Ngân Sơn, đêm 22-9-1943, dưới chân thác nước Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), đồng chí Nghĩa (tức Dương Mạc Hiếu) đã tổ chức kết nạp những đội viên trung kiên vào Đảng Cộng sản Đông Dương, gồm các đồng chí: Thành Tâm (tức Đồng Văn Bằng) và Đông Sơn (tức Doanh Hằng). Thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đội xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng của Tổng Bằng Đức, huyện Ngân Sơn, gồm ba đồng chí, đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ vinh dự mang tên đồng chí Phùng Chí Kiên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại Thôn Khau Pàn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn vào năm 1941.

Từ đây, phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng phát triển mạnh mẽ. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, sự ủng hộ của nhân dân, Chi bộ Chí Kiên đã lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy, khống chế và hạ đồn Ngân Sơn, tước vũ khí lính dõng, tịch thu bằng sắc, ấn triện của bọn hào lý, đập tan chính quyền bè lũ tay sai, thành lập UBND lâm thời các xã, tiến tới giải phóng hoàn toàn châu Ngân Sơn vào ngày 21-3-1945.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay, đời sống của nhân dân Thượng Ân đã đổi thay đáng kể. Dân số tăng lên, kinh tế phát triển, thôn Bản Duồm nay đã tách thành hai thôn, gồm: Bản Duồm A và Bản Duồm B. Theo Trưởng thôn Bản Duồm B, Đồng Phúc Linh, tại xã có giống lúa nếp Khẩu nua lếch đặc sản, thơm ngon, riêng có. Được hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật, năng suất bình quân của lúa nếp Khẩu nua lếch tăng từ 35 lên 40 đến 42 tạ/ha. Có những thời điểm, giá bán thóc Khẩu nua lếch đạt từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, gạo đạt từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg, cao hơn 10 nghìn đồng so với gạo nếp thường mà vẫn không đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Nhờ canh tác bền vững giống lúa này, kết hợp với chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng, trồng thuốc lá, cả thôn giờ chỉ còn một hộ nghèo.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ân, Doanh Thiêm Duy cho biết, Đảng bộ xã hiện phát triển lên 18 chi bộ với tổng số 184 đảng viên, chủ yếu là các đồng chí đảng viên người dân tộc Tày, Dao. Nhiều năm liền, các chi bộ đều đạt mức phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Phát huy truyền thống cách mạng, chăm lo đời sống nhân dân, Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển mạnh trồng giống lúa nếp đặc sản, cam, quýt, trồng rừng, chăn nuôi… Nhờ đó, bình quân lương thực đầu người đạt hơn 661 kg/người/năm; có gần 2.500 gia súc, 8.900 con gia cầm; gần 50 ha rừng sản xuất. Từ nguồn vốn Nhà nước, xã đã xây dựng kè chống sạt lở thượng lưu đập kênh Nà Sáng, sửa chữa kênh Nà Chúa, mở đường đi Nà Choán; hỗ trợ 239 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi gà… Diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc.

Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn, Hoàng Hà Bắc chia sẻ, Ngân Sơn coi di tích thành lập chi bộ Chí Kiên là “địa chỉ đỏ” để đào tạo, rèn luyện đảng viên. Hằng năm, nhiều chi bộ tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại đây. Huyện ủy chỉ đạo các đảng bộ tăng cường củng cố, xây dựng đảng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên gắn với phát huy truyền thống Chi bộ Chí Kiên. Nhờ đó, Đảng bộ Ngân Sơn là một đơn vị tiêu biểu trong thực hiện kế hoạch tự soi, tự sửa, phát triển kinh tế có nhiều tiến bộ.

Hiện nay, nhân dân xã Thượng Ân coi ngày 22-9 như một ngày Tết trong năm. Hằng năm, vào ngày kỷ niệm, xã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: chạy việt dã về nguồn, tổ chức thi đấu các môn thể thao, thi văn nghệ, ôn lại truyền thống cách mạng. Đồng bào trong các bộ trang phục đẹp của dân tộc mình lại cùng vui kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên, trở thành đợt sinh hoạt chính trị hằng năm góp phần phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.