Trần Đề là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, nơi đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 50% số dân toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 14 chùa Khmer với số lượng tín đồ, phật tử tương đối đông. Nhận thức được vai trò của chức sắc tôn giáo trong đời sống của bà con phật tử, những năm qua, Đảng bộ huyện Trần Đề luôn quan tâm chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên đối với người có đạo. Sau sáu năm thành lập, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 177 đảng viên là người có đạo, nâng số lượng đảng viên trong các tôn giáo lên 430 đồng chí.
Đối với các đảng viên là chức sắc, chức việc, các đảng ủy xã, thị trấn phân công tham gia sinh hoạt chi bộ khối dân vận trực thuộc đảng ủy, phụ trách lĩnh vực dân tộc - tôn giáo, nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, từ đó vận động, tuyên truyền bà con tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương. Kết quả nêu trên góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.
Các chức sắc như Hòa thượng Thạch Sông, Trụ trì chùa Bưng Sa, Chánh Ban đại diện Phật giáo huyện, Chi hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, đại biểu HĐND huyện; Thượng tọa chùa Prum-vi-sal, thị trấn Lịch Hội Thượng Thạch Pích, Chi Hội phó đoàn kết sư sãi yêu nước, đại biểu HĐND thị trấn Lịch Hội Thượng… đều là những đảng viên gương mẫu, luôn vận động bà con, phật tử giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Ở xã Viên An, nơi có đến 90% số dân là đồng bào Khmer sinh sống, bà con đều quý mến, kính phục Hòa thượng Thạch Sông. Hơn 60 tuổi đời, 20 năm làm trụ trì, hòa thượng luôn tích cực chăm lo đời sống cho bà con phật tử, tham gia tích cực các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, sẵn lòng từ tâm cho công tác từ thiện xã hội.
Nhận xét về đảng viên Thạch Sông, Bí thư Đảng ủy xã Viên An Thạch Văn Mến cho biết: Hòa thượng Thạch Sông phát huy tốt vai trò của một đảng viên, luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là trong thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, vận động bà con chăm lo làm ăn và thực hiện tốt các phong trào của địa phương. Nhiều năm qua, các phật tử và bà con cùng chung sức xây dựng cuộc sống gia đình, phum sóc ấm no, hạnh phúc. Đời sống bà con ở Viên An ngày càng khấm khá, sung túc.
Trên địa bàn xã Viên An có hai chùa của đồng bào Khmer và miếu thờ của người Hoa, người Việt. Để giữ mối quan hệ gần gũi giữa cấp ủy, chính quyền với chức sắc tôn giáo, ngày rằm và mùng 1 là thời điểm phật tử đến lễ chùa đông, lãnh đạo xã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc và bà con phật tử, đồng thời thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa trên địa bàn xã, động viên bà con thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Trao đổi ý kiến về công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, đồng chí Thạch Văn Mến cho biết, Đảng bộ xã không chạy theo chỉ tiêu, khi các quần chúng ưu tú đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sẽ xem xét, kết nạp vào Đảng.
Từ thực tiễn ở huyện Trần Đề cho thấy, đảng viên là người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã góp phần tích cực vào lãnh đạo, quản lý và vận động đồng bào Khmer lao động sản xuất, tổ chức đời sống xã hội, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trần Đề Huỳnh Thanh Liêm cho biết: Năm 2010, Đảng bộ huyện có hơn 1.500 đảng viên, đến nay đã lên đến gần 2.500 đảng viên, trong đó hơn 900 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Các đảng viên là chức sắc, chức việc được chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể, đều phát huy vai trò trong vận động quần chúng nhân dân và đồng bào có đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, sống tốt đời, đẹp đạo.
Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện Trần Đề đặt chỉ tiêu kết nạp 500 đảng viên. Với đội ngũ đảng viên đông về số, mạnh về chất, được chọn lựa kỹ lưỡng, những mục tiêu về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo sẽ sớm được thực hiện, tạo sự khởi sắc cho huyện ven biển nhanh chóng đạt tiêu chí đô thị loại IV, được công nhận thị xã và là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng.