Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam Chu Xuân Sơn cho biết, từ năm 2022, phường đã triển khai mô hình "3 không, 3 biết" (không trễ hẹn, không gây phiền hà, không bổ sung hồ sơ quá một lần trong giải quyết thủ tục hành chính; biết chào hỏi, biết xin lỗi, biết cảm ơn).
Cùng với đó, phường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chứng thực điện tử, rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Là chủ một doanh nghiệp tư nhân thường phải chứng thực rất nhiều hồ sơ, anh Lê Văn Hùng cho biết: "Chứng thực điện tử giúp chúng tôi bớt được không ít thời gian đi lại và chi phí, bởi chỉ cần chứng thực một lần là có thể dùng cho nhiều lần khác".
Theo lãnh đạo UBND phường, dù chứng thực điện tử có thể làm giảm nguồn thu của phường, nhưng vì sự tiện lợi của người dân, cho nên phường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này trong thời gian tới.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho rằng, dân vận chính quyền cần gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Như ở quận Thanh Xuân là công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tăng cường quản lý nhà chung cư. Thực tế trên địa bàn quận thời gian qua cho thấy, nhờ làm tốt công tác dân vận chính quyền, nhiều việc khó đã được giải quyết hiệu quả, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, dù mới nửa nhiệm kỳ 2020-2025, quận đã đạt toàn bộ 17 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quận lần thứ sáu đã đề ra, trong đó có chín chỉ tiêu đã vượt kế hoạch toàn khóa.
Tại huyện Thanh Trì, công tác dân vận chính quyền được gắn với công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cùng mục tiêu lên phường, lên quận trong giai đoạn tới. Lãnh đạo xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết, cùng với sự đầu tư của huyện, người dân đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để tham gia kè ao hồ, cải tạo sân chơi trên địa bàn. "Chúng tôi kiên quyết thu hồi và giữ bằng được các diện tích đất công để xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, cho nên tất cả người dân đều hưởng ứng, đồng thuận rất cao", Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Tứ Hiệp Nguyễn Xuân Hoàn nói.
Tại xã Yên Mỹ, công tác dân vận chính quyền cũng đi vào thực chất, nhất là việc vận động người dân tham gia công tác xã hội hóa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn. Ðại diện Ðảng ủy xã cho biết, xã đã vận động mỗi nhân khẩu đóng góp 2.000 đồng/người/tháng để thành lập quỹ xây dựng, chăm sóc những tuyến đường hoa và nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân.
Cảnh quan xanh, sạch, đẹp giúp xã được thành phố công nhận là điểm du lịch, góp phần tăng thu nhập cho địa phương. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, chính nhờ sự chủ động trong công tác dân vận chính quyền, nên công tác xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả cao. Ðến nay, toàn bộ 15 xã của huyện đã được công nhận nông thôn mới nâng cao, về đích trước hai năm theo kế hoạch.
Ðây chính là những kết quả rõ nét trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền của Hà Nội thời gian qua. Xác định đó là nhiệm vụ quan trọng, ngày 1/10/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chỉ đạo cơ quan nhà nước các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận chính quyền.
Thành phố yêu cầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân.
Trên cơ sở đó, công tác dân vận của thành phố cũng được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, tăng đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế biện pháp hành chính trong giải quyết vụ việc phát sinh. Nổi bật là việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân theo Quyết định 2200-QÐ/TU tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả.
Từ năm 2021 tới nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố tới cơ sở đã phối hợp tham mưu tổ chức 1.850 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đồng thời giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề dân sinh bức xúc.
Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, thành phố đã đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực kinh tế-xã hội. Công tác cải cách hành chính cũng được đẩy mạnh; thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, phục vụ nhân dân đối với các cơ quan và công chức nhà nước; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu công dân; tiếp tục rà soát, xóa bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, thành phố đã bãi bỏ hơn 1.500 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của thành phố Hà Nội, vẫn còn không ít hạn chế trong công tác dân vận chính quyền. Ðó là ý thức của một số cán bộ, công chức trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử khi thực thi công vụ chưa cao.
Việc tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh của chính quyền các cấp có nơi còn chưa kịp thời; thông báo kết quả xử lý góp ý, kiến nghị cho người dân, tổ chức còn chậm. Một số địa phương chưa chú trọng giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân, những vấn đề bức xúc ở cơ sở, thậm chí còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Sự phối hợp hoạt động của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp ở một số địa phương chậm đổi mới, chưa gắn kết chặt chẽ.
Cùng với việc tập trung khắc phục những hạn chế này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, các ngành thành phố quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nắm bắt tình hình nhân dân; công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính, nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Ðồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong đối thoại, giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở để công tác dân vận chính quyền đạt hiệu quả cao hơn, góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn ■