Nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 300 nghìn thanh niên, trong đó chiếm 45% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Với nghị lực và ý chí không cam chịu đói nghèo, nhiều thanh niên DTTS đã khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế quê hương.

Mô hình sản xuất cây cà gai leo theo hướng hữu cơ tại thị xã An Khê (Gia Lai).
Mô hình sản xuất cây cà gai leo theo hướng hữu cơ tại thị xã An Khê (Gia Lai).

Điển hình là dự án trồng cà gai leo theo hướng hữu cơ của cô gái người Ba Na Hồ Thị Viên, 29 tuổi, ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê vừa lọt vào tốp 20 trong số 128 dự án nông nghiệp trong cả nước được Ủy ban Dân tộc đề xuất Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong khuôn khổ định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Hồ Thị Viên cho biết: “Cuối năm 2018, được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương, tôi đã mạnh dạn thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây cà gai leo theo hướng hữu cơ trên địa bàn thị xã An Khê”. Đây là loại cây dược liệu quý đã được các cơ quan, nhà khoa học nghiên cứu khẳng định, đồng thời Bộ Y tế cũng đang hướng đến xây dựng các vùng trồng cây dược liệu năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp nguồn dược liệu sản xuất thuốc”. Điều đáng mừng là dự án của chị Viên được chính quyền xã Tú An hỗ trợ 2 ha đất để xuống giống cây cà gai leo, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật ươm giống trồng, thu hoạch theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An đứng ra làm các khâu trung gian nhằm bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Từ 2 ha thí điểm, đến nay đã có 10 hộ dân trong làng Pơ Nang tham gia dự án; hàng chục nghìn cây giống cà gai leo đang được ươm mầm thành công để phục vụ dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong vùng.

Anh Đinh Khek, dân tộc Ba Na, năm nay 34 tuổi, sống tại làng T’kăt, xã Đăk Kơning, huyện Kông Chro cũng là một điển hình của việc vươn lên trong nghèo khó. Anh Khek cho biết, sau khi lấy vợ năm 2008, mặc dù có đất cha mẹ cho nhưng vợ chồng anh Khek không biết trồng cây gì cho nên để cỏ mọc hoang. Sau này, được dự nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và Huyện đoàn Kông Chro cho đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế, năm 2014, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm chỉ, siêng năng, đàn bò của gia đình anh nhanh chóng phát triển. Không dừng lại ở đó, anh Khek tiếp tục đầu tư mua thêm bò, dê phát triển thành đàn, đồng thời đào ao thả cá, khai hoang đất trồng lúa. Hiện, gia đình anh có 22 con bò, 40 con dê sinh sản, hai ao cá, 1 ha lúa, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh Khek còn giao cho một số người dân trong vùng nuôi bò, dê của gia đình. Sau khi bò, dê sinh sản, họ sẽ chia đôi số con này. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong làng đã dần có của ăn, của để và cuộc sống ổn định hơn.

Cũng là một gương thanh niên điển hình trong công tác lập thân, lập nghiệp, anh Ksor T’lía, 30 tuổi, dân tộc Gia Rai, sinh sống tại buôn Pan, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa được bà con yêu mến, nể phục bởi gia đình anh không chỉ là tấm gương vượt khó làm giàu mà còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo khó trong làng kinh nghiệm làm ăn để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, gia đình anh Ksor T’lía thuộc hộ nghèo của xã, nhưng với bản tính năng nổ, nhiệt tình, nên năm 2013, anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn xã Ia Rsai. Được sự hỗ trợ của chính quyền, của tổ chức đoàn, sau khi tiếp cận kiến thức sản xuất, kinh doanh qua các lớp tập huấn, Ksor T’lía mạnh dạn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ vừa để phục vụ bà con, vừa làm điểm thu mua nông sản trong vùng. Hiện gia đình Ksor T’lía đang là một trong những gia đình có cuộc sống khá giả ở xã Ia Rsai với hai cửa hàng tạp hóa trong làng, hai xe ô-tô chở hàng, một đại lý thu mua nông sản, 8 ha sắn xen canh trong vườn điều, ước tính thu nhập bình quân của gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm…

Hiện nay, ở Gia Lai, một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao như: Nghề xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm, công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất, xí nghiệp và xuất khẩu lao động. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Rcom Sa Duyên cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 13.725 người được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, trong đó 94% số lao động là người DTTS. Trong định hướng đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu tạo việc làm mới cho 70% số lao động là người DTTS sau khi được đào tạo nghề. Cùng với đó, tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động ■