Cây xóa nghèo ở vùng cao Văn Chấn

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Chính phủ, sự cần cù sáng tạo, khát vọng vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao Văn Chấn (Yên Bái) đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch chè.
Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch chè.

Trong đó, cây măng sặt đang trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, được đồng bào DTTS huyện Văn Chấn chú trọng phát triển. Ðây là loại thực phẩm sạch, độc đáo chỉ vùng cao mới có, với ưu điểm chế biến thành nhiều món ăn ngon, có độ giòn, ngọt, ngày càng được thị trường ưa chuộng. Với hơn 150 ha măng sặt tập trung chủ yếu ở các xã: Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Suối Bu, An Lương, huyện Văn Chấn đang triển khai Ðề án phát triển cây măng sặt giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xây dựng vùng măng sặt tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích cây măng sặt toàn huyện đạt 250 ha. Ðề án đã xem xét, hỗ trợ cho nhân dân năm xã là: An Lương, Suối Quyền, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Suối Bu trồng mới 100 ha, với mức hỗ trợ hai triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Nậm Lành Triệu Tòn Pết cho biết: Măng sặt là cây bản địa, thích nghi với khô hạn, có dạng rễ chùm, lan rộng có khả năng chống xói mòn đất, dễ trồng, ít phải chăm sóc và hầu như không có sâu bệnh. Vì vậy, trồng măng sặt vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Nhiều hộ trong xã có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm từ trồng măng sặt. Xã Nậm Lành đang phối hợp các cơ quan chức năng của huyện quy hoạch đất đai, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng măng để có măng mọc đều và năng suất cao hơn. Nhiều hộ dân xã Nậm Lành đã chuyển đổi các diện tích đất nương rẫy bạc màu sang trồng măng sặt, riêng thôn Giàng Cài có gần 170 hộ trồng.

Ngoài măng sặt, Văn Chấn còn có gần 125 ha cây dâu, tạo nguồn thức ăn chủ yếu cho các hộ dân nuôi tằm và trồng tập trung tại xã: Sơn Lương với 15,16 ha, Chấn Thịnh có 80,86 ha, Ðồng Khê có 9,68 ha, Sơn Thịnh 19 ha. Giá thu mua kén hiện nay từ 80 đến 100.000 đồng/kg. Các thương lái đến từng hộ thu mua. Vì vậy, huyện Văn Chấn đề ra kế hoạch dồn điền đổi thửa, sắp xếp lại các diện tích đất lúa một vụ kém hiệu quả để trồng dâu, phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng dâu nuôi tằm đạt hơn 250 ha.

Ông Lò Văn Tú, trú tại thôn Bồ, xã Chấn Thịnh, có diện tích trồng dâu khoảng 2 ha cho biết: "Gia đình tôi trồng dâu từ năm 2015 với quy mô ban đầu 3.000 m2, sau đó chuyển đổi đất kém hiệu quả để trồng dâu nuôi tằm. Mỗi năm nuôi 14 lứa tằm với giá bán bình quân 100.000 đồng/kg kén, thu về 180 triệu đồng, cao hơn vài lần so với các loại cây trồng khác". Tuy nhiên, trồng dâu, nuôi tằm yêu cầu thực hiện quy trình kỹ thuật chặt chẽ và nghiêm ngặt mới đạt hiệu quả kinh tế. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn Phùng Thế Hanh, để nâng cao hiệu quả và gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ dâu tằm tơ, hiện đã thành lập ba HTX gồm: HTX Môi trường xanh Chấn Thịnh, HTX Dâu tằm Sơn Lương, HTX Dâu tằm Sơn Thịnh. Huyện Văn Chấn hỗ trợ xây dựng ba nhà tằm con, 90 nhà tằm lớn, hơn 70 né nuôi tằm.

Một lợi thế lớn của Văn Chấn là cây chè vùng cao, với diện tích chè shan 1.400 ha (chiếm hơn 30% diện tích chè toàn huyện), được trồng tập trung tại các xã Suối Giàng, Sùng Ðô, An Lương, Suối Quyền, Nậm Mười, Gia Hội, Nậm Búng... Trong đó có gần 500 ha chè shan công nghiệp (chè shan trồng mật độ 16.000 cây/ha), sản lượng đạt 6.850 tấn, giá trị đạt hơn 40 tỷ đồng. Giá thu mua chè búp tươi Suối Giàng bình quân 20.000 đồng/kg, chè shan búp tươi vùng cao đạt 8.000 đồng/kg đã giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống. Thời gian qua, Văn Chấn thực hiện Ðề án phát triển cây chè shan giai đoạn 2016 - 2020 một cách hiệu quả. Ðồng thời, huyện hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè shan tuyết đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ, gắn bảo vệ và phát triển vùng chè với khu du lịch sinh thái của cộng đồng dân tộc H’Mông, khuyến khích việc sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh vào sản xuất, bảo vệ chất lượng sản phẩm và xây dựng thành công các vùng chè an toàn VietGAP và hữu cơ.