Đằm thắm điệu sli ở Xuân Dương

Xã Xuân Dương (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) được coi là xứ sở của những câu sli đằm thắm. Người dân tộc Nùng nơi đây sinh sống làm ăn ở mảnh đất cha ông, mạch nguồn văn hóa chảy dạt dào trong huyết quản. Họ coi sli là hình thức giao tiếp ý nhị, tinh tế, là khúc hát giao duyên mà các cặp đôi khéo léo trao nhau, cũng là kho báu tinh thần, truyền từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ hướng dẫn hát sli cho trẻ em địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ hướng dẫn hát sli cho trẻ em địa phương.

Chúng tôi đến xã Xuân Dương gặp Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ (62 tuổi) dân tộc Nùng ở thôn Thôm Chản, người luôn hết lòng với việc sáng tác và truyền dạy làn điệu sli của đồng bào Nùng cho cộng đồng. Ông tiếp khách bằng sự mộc mạc, chân tình và đầy hào hứng sôi nổi khi nhắc đến làn điệu sli nổi tiếng của quê hương.

Thổn thức câu ca xưa

Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ cho biết: "Sli trong tiếng Nùng nghĩa là thơ, những bài thơ, bài văn vần có độ dài ngắn linh hoạt, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Về độ dài, các bài sli có từ bốn đến tám câu hoặc có thể dài đến hàng trăm câu. Câu sli khiến người không ngại đường xa, lòng người cũng trở nên gần lại. Những câu sli làm đời sống tinh thần phong phú hơn, đầy đặn hơn".

Trong đời sống hằng ngày hay trong lao động, sinh hoạt văn hóa, câu sli được cất lên chân thành, tự nhiên. Đó là nhu cầu giao tiếp, chào hỏi, làm quen của mỗi người. Luôn có người chủ động thể hiện sli trước, người hát trước thường là người có giọng vang, có tài ứng đối khéo léo, linh hoạt và nhanh nhạy.

Khi bên này vừa ngừng tiếng sli mở đầu thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp. Hai người hát "chay" không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo. Khi câu sli cất lên, những biểu cảm trên khuôn mặt, điệu bộ của đôi tay chính là thứ ngôn ngữ diễn tả nội dung, cảm xúc của người hát.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ, sli có ba lối hát cơ bản là hát nói - đọc thơ, xướng sli và ngâm thơ, dằm sli (hoặc nhằm sli) - lên giọng hát, theo hình thức hát thể tự do và thể có bài bản tổ chức thành cuộc hát. Một cuộc hát sli thường diễn ra theo ba chặng. Chặng một là những bài hát chào mời thăm hỏi; chặng hai là những bài hát trao đổi tâm tư tình cảm; chặng thứ ba là những bài tiễn biệt dặn dò, hẹn ước ngày tái ngộ. Đây là phần lôi cuốn nhất của cuộc hát sli, bởi lời đối đáp thể hiện sự tài hoa của mỗi người với những ví von ẩn chứa nhiều hàm ý thông qua những hình ảnh thiên nhiên, thời gian để thổ lộ tình cảm của chính mình. Làn điệu dân ca ấy, không chỉ mang tính giải trí, giao duyên, còn chứa đựng nội dung tư tưởng mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", sự tôn kính, biết ơn ông bà tổ tiên của người Nùng.

"Chang đông nhằng mì co mạy cải/Chang bản nhằng mì cần lụ slư" (dịch nghĩa: Núi cao rừng thẳm có cây to/Bản làng phải có người biết chữ). Đó là những hình ảnh gần gũi nhưng cách ví von sâu sắc, thể hiện tinh thần cầu tiến, đề cao việc học hành của người Nùng. Họ yêu thương và bảo ban nhau những điều tốt đẹp như thế. Hay trong những câu tiễn biệt dặn dò, họ trao nhau lời hẹn lại cùng đắm trong những câu sli mượt mà, êm ái kiểu như: "Tình ăn lần vàm nhòi hạ vài/Slam không ky càu ngòi làu dơ" (dịch nghĩa: Nghe bao lời hẹn ước với nhau/Ba phương tứ hướng ngày sau sao đành).

Hát sli để yêu tiếng Nùng hơn

Hát sli, tưởng chỉ có người cao tuổi, trung niên mới thích, mới hiểu, nhưng nét di sản văn hóa này không dễ gì mai một khi Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ cùng những người cao tuổi trong vùng vẫn đau đáu tìm cách truyền lại điệu hát cho thế hệ trẻ, con cháu.

Năm 2022, câu lạc bộ hát sli xã Xuân Dương được thành lập do Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ làm chủ nhiệm, có 37 thành viên, người trẻ nhất 9 tuổi. Dù sân chơi tập hợp các lứa tuổi và chất giọng khác nhau nhưng tất cả đều chung niềm say mê với hát sli. Có những học viên miệt mài rèn luyện gần tháng trời mới làm quen được với những bước luyện giọng nhưng có người chỉ sau ba buổi đã có thể hát mượt mà.

Cùng với việc học hát các làn điệu sli, các thành viên câu lạc bộ còn chép lại nhiều bản để lưu giữ, truyền dạy cho con cháu. Ngoài sưu tầm sách hát từ cổ nhân, các thành viên câu lạc bộ còn tự sáng tác, đặt lời mới và phiên dịch từ tiếng Nùng sang tiếng Việt. Vào những dịp lễ, Tết, hội hè, câu lạc bộ tự hào mang câu sli đi giao lưu, biểu diễn ở các xã lân cận và cả tỉnh bạn.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ, hát sli được thể hiện bằng ngữ âm của người Nùng, muốn hát sli phải biết nói tiếng Nùng. Sau phút trầm ngâm, nghệ nhân bày tỏ, điều mong mỏi lớn nhất của ông là có thể mở lớp truyền dạy hát sli trong nhà trường để nhiều người trẻ được tiếp cận, làm quen và giữ gìn kho báu tinh thần mà cha ông để lại.

Ở xứ núi bình dị này, câu sli còn vương, sắc chàm còn đượm trên khăn, áo truyền thống. Công việc chính của những người phụ nữ chủ yếu gắn bó với ruộng nương, vườn tược. Bốn mùa làm lụng, cấy hái, làm men, nấu rượu, nhuộm vải chàm, dường như nỗi nhọc nhằn trong lao động được vơi đi khi những câu sli, câu lượn còn đậm đà bản sắc.

Bà Nông Thị Nguyện (60 tuổi) vợ của Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hồ cho biết, chẳng biết câu sli có tự khi nào, chỉ nhớ rằng từ thuở ấu thơ bà đã được nghe những câu sli cất lên giữa núi đồi, nhiều nhất là những dịp chợ tình của xã. Bà biết hát sli từ năm 17 tuổi, bén duyên với người bạn đời cũng từ câu sli thiết tha, rung động.

Giờ đây, khi hai ông bà đã có con cháu sum vầy, nhưng thi thoảng vẫn ngân nga, chuyện trò bằng lời sli để ôn lại kỷ niệm của thời thanh xuân, hơn nữa là để truyền cảm hứng cho những người trẻ yêu làn điệu dân ca này ở địa phương.

Chị Bàn Thị Thanh, dân tộc Dao ở xã kế bên về Xuân Dương làm dâu. Vì yêu người mà chị đắm đuối cả điệu sli. Không chỉ thích nghe mà chị còn tham gia câu lạc bộ hát sli của xã để có thể hát và hiểu thêm về nét hay, nét đẹp của dân tộc Nùng.

Còn với những em học sinh dù mới chỉ học hát sli được gần hai năm, nhưng đều bộc lộ rõ năng khiếu, trên mỗi gương mặt của các em ngời lên sự tự hào về làn điệu dân ca của dân tộc. Nội dung sli của các em phù hợp với lứa tuổi, bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Em Nông Thịnh Tông, 15 tuổi, ở thôn Cốc Càng, bày tỏ ước muốn lớn lên sẽ hát thật hay làn điệu sli của quê hương như các ông, bà trong thôn.

Ông Nông Ngọc Thánh ở thôn Cốc Càng cũng là người mê và am hiểu về hát sli. Ông đã cần mẫn dịch những câu sli Nùng sang tiếng Việt để nhiều người cùng biết đến ý nghĩa của ca từ sli. Ông lặng lẽ nhìn các cháu đầy trìu mến, dường như ông phần nào yên tâm khi làn điệu sli được tiếp nối bằng sự trân trọng và hào hứng của lớp con cháu trong vùng.

Trong câu chuyện lôi cuốn, ông Thánh điềm đạm chia sẻ, tùy từng không gian và hoàn cảnh mà câu sli được thể hiện với âm điệu và câu từ phong phú. Khi thì lời ca sâu lắng, gọi mời, khi thì da diết. Câu sli có mặt ở mọi lúc vui tươi rộn rã, khi ưu tư trầm buồn và dặt dìu, êm ả. Ngày xuân, câu sli vui tươi, đầy ước vọng tốt lành, gửi gắm những lời hẹn hò tha thiết. Dịp sinh nhật, câu sli sâu lắng, tràn đầy khát khao. Những sự kiện như đám cưới, vào nhà mới, lời sli vang lên chứa những mong muốn an vui, hạnh phúc, may mắn. Câu sli cũng được sử dụng trong đám hiếu khi con cháu trong nhà thể hiện cảm xúc, tấm lòng biết ơn công lao dưỡng dục của bậc sinh thành.

Mỗi năm, vào dịp Chợ tình Xuân Dương (25 tháng 3 âm lịch) không chỉ người trong vùng mà du khách trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn lại rộn ràng đến với hội Xuân đặc biệt này. Đến đây không chỉ hòa mình vào không khí bán mua, gặp gỡ trong phiên chợ tình mà còn để lắng nghe và chứng kiến màn diễn xướng sli độc đáo của người Nùng ở xã Xuân Dương.

Chẳng phải cứ hát sli là bộc lộ tình thương mến mà câu ca ấy còn chứa đựng biết bao niềm khao khát, ước mong tốt đẹp trong cuộc sống. Bên bến sông Bắc Sen, những câu sli ngân nga theo dòng nước chảy qua mùa màng, thấm đẫm nhịp điệu quê hương. Từ âm vang của điệu sli, tình đoàn kết cộng đồng, tình bạn và cả những mối nhân duyên được vun đắp giữa các chàng trai, cô gái Nùng đến với ngày hội Xuân.

Theo ông Hoàng Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý du lịch và Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn: "Việc quảng bá di sản và xây dựng sản phẩm du lịch; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững địa phương. Xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm liên quan đến di sản tại cộng đồng là hết sức quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị hát sli".

Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa "Hát sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không phải ai nghe sli cũng hiểu cũng mê, nhưng nếu lắng nghe, quan sát kỹ sẽ vì sự nhiệt thành của người ca mà thấm, mà thích, sẽ vì câu sli đằm thắm tình cảm, thấy cái tình tứ của người thể hiện sli mà xao lòng. Chia tay mảnh đất Xuân Dương cùng mong ước được trở lại, chúng tôi mang theo ý nghĩa của điệu sli ấm áp: "Nhất tâm giấy bút viết cùng chung/Hai chữ hẹn mùa xuân hạnh phúc".