Trong địa bạ triều Nguyễn năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), địa danh “xứ Đầm Dơi” chỉ vùng đất đầm lầy hoang sơ ngập trũng quanh năm, có nhiều loài chim và dơi trú ngụ. Nhờ tính chất và điều kiện tự nhiên đặc thù như vậy, Đầm Dơi trở thành căn cứ địa vững chắc, che chở an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, Quân khu và Trung ương Cục miền Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đầm Dơi không chỉ cung cấp sức người, sức của mà còn góp phần làm nên những chiến công vang dội. Trong số này có trận đánh chìm tàu Pháp trên kênh xáng Mương Điều năm 1947; bức hàng đồn Tân Đức, Tân Thuận năm 1960; cuộc đấu tranh trực diện tại Chi khu Đầm Dơi năm 1961; chiến thắng Chi khu Đầm Dơi-Cái Nước-Chà Là năm 1963...
Có những trận đánh mà lực lượng nòng cốt là “đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ gắn với tên tuổi của nữ Anh hùng, liệt sĩ Dương Thị Cẩm Vân. Tháng 12/1964, cô giáo Dương Thị Cẩm Vân, mới 17 tuổi, được bổ sung vào du kích xã Quách Văn Phẩm. Trong suốt 200 ngày cao điểm bao vây Chi khu Đầm Dơi, bất kể trời mưa hay nắng, Dương Thị Cẩm Vân cùng đồng đội không lúc nào rời chiến hào, trận địa, kiên trì đánh địch cho đến khi giành thắng lợi.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đầm Dơi Ngô Bá Thành cho biết, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Dương Thị Cẩm Vân tham gia 130 trận đánh, cùng đơn vị tiêu diệt và làm bị thương 150 tên địch, thu 120 súng các loại. Riêng bản thân đồng chí diệt 57 tên, bắt sống 8 tên và bắn rơi 1 máy bay. Năm 1966, tại Đại hội chiến sĩ thi đua quân khu, đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nữ kiện tướng chiến hào”.
Ngày 28/4/2000, đồng chí Dương Thị Cẩm Vân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, ngay trên nền Chi khu Đầm Dơi nằm ở ngã 3 sông Đầm Dơi ngày nay, tượng đài Dương Thị Cẩm Vân được xây dựng, ghi tạc khí phách hiên ngang của nữ kiện tướng chiến hào năm xưa.
Nhiều tên tuổi của anh hùng, liệt sĩ đã viết nên những trang sử vẻ vang của vùng đất Đầm Dơi cũng trở thành tên đất, tên làng, tên trường học, như: Quách Văn Phẩm, Nguyễn Huân, Trần Văn Phán, Tạ An Khương, Trần Ngọc Hy, Tô Thị Tẻ...
Phát huy truyền thống hào hùng, trong suốt chặng đường đã qua, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, Đảng bộ, quân và dân huyện Đầm Dơi đã chung sức, đồng lòng từng bước vượt qua khó khăn, có những quyết sách và bước đi phù hợp làm thay đổi diện mạo vùng đất hoang vu gian khó một thời.
Cột mốc đánh dấu sự đổi thay trên quê hương Đầm Dơi là vào thời điểm năm 2000 khi hàng chục nghìn héc-ta canh tác duy nhất một vụ lúa trong năm được chủ trương chuyển đổi sang nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản, tạo ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Nhờ đó, trong nhiều năm liên tục, Đầm Dơi duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7-10%/năm. Nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với sản lượng trung bình hằng năm khoảng 116.000 tấn; hộ nghèo hiện chỉ còn 1,57% (685 hộ); thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với 10 năm trước.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay tích cực tại các vùng quê hẻo lánh của Đầm Dơi. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, Đầm Dơi đã xây dựng được mạng lưới giao thông đường bộ với tổng chiều dài hơn 1.676 km, xây dựng hơn 950 cây cầu nối qua các sông, rạch, giúp người dân lưu thông thuận lợi cả bằng xe máy và ô-tô về tận trung tâm các xã, thị trấn và xóm, ấp. Đến nay, Đầm Dơi đã có 9/15 xã “về đích” nông thôn mới, trong đó, Tân Dân là xã đầu tiên của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Lê Minh Hiền, thành tích của quân, dân Đầm Dơi trong các thời kỳ kháng chiến được Đảng, Nhà nước ghi nhận với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện, toàn huyện có 7 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 8 xã được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; 11 cá nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang cùng 332 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng...
Truyền thống cách mạng là động lực thôi thúc thế hệ trẻ Đầm Dơi ngày nay không ngừng trau dồi, học tập, rèn luyện… để kiến thiết quê hương nơi địa đầu cực nam Tổ quốc…