Đắk Nông lập “Tổ công tác đặc biệt” giúp người dân tiêu thụ nông sản

NDO -

Trước khó khăn của người dân, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt” giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Cán bộ “Tổ công tác đặc biệt” về cơ sở gặp gỡ trực tiếp người dân để giúp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Cán bộ “Tổ công tác đặc biệt” về cơ sở gặp gỡ trực tiếp người dân để giúp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động Tổ công tác đã giúp người dân tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản, cơ bản không còn tình trạng nông sản sau thu hoạch bị ùn ứ, hư hỏng. 

Toàn tỉnh Đắk Nông có gần 11.000 ha diện tích canh tác rau củ quả, trái cây các loại, với tổng sản lượng khoảng 176.000 tấn. Sản lượng thu hoạch còn lại trong thời gian từ nay đến tháng 11 khoảng 76.000 tấn. Trong đó, bơ khoảng 9.000 tấn; sầu riêng khoảng 18.000 tấn; rau củ các loại khoảng 48.000 tấn. Hiện trên địa bàn Đắk Nông có khoảng 43.000 tấn rau củ quả, sầu riêng và bơ cần tiêu thụ, ước khoảng 900 tấn/ngày. So với cùng kỳ năm trước giá các loại nông sản giảm từ 20-25%; cùng với đó cước vận tải, giá nhân công tăng cao, nhiều điểm chợ đầu mối và doanh nghiệp thu mua, khu chế xuất bị phong tỏa nên đầu ra đang gặp khó khăn.

Huyện Đắk Song và Đắk Mil là hai địa phương có sản lượng rau củ quả, trái cây các loại lớn nhất tỉnh Đắk Nông với gần 68.000 tấn; trong đó, sản lượng thu hoạch còn lại đến tháng 11 khoảng gần 10.000 tấn. Ông Lê Quang Trường, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song có 55 cây sầu riêng giống Thái Lan trồng xen bơ trên diện tích gần 1 ha, ước sản lượng đạt khoảng 14 tấn. 

Ông Trường cho biết, so với các năm trước, thời điểm này đã có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp đến thăm vườn, chốt giá, đặt cọc để mua sầu riêng. Tuy nhiên, năm nay chưa hề có thương lái đến thăm vườn, gia đình đã nỗ lực tìm kiếm đầu ra nhưng đều không có kết quả. Mặt khác, nhân công thu hoạch cũng khan hiếm do phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch bệnh; nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ dẫn đến hư hỏng, sầu riêng kém chất lượng khiến nông dân bị thiệt hại nặng.

Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Hòa Phát Đắk Song có 21 thành viên, tổng diện tích với hơn 40 ha sầu riêng giống Thái Lan trồng xen bơ và cà phê, ước sản lượng khoảng 300 tấn. Nhiều tháng nay hợp tác xã và xã viên nỗ lực tìm kiếm đầu ra nhưng chưa có người mua.

Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Hòa Phát Đắk Song Nghiêm Xuân Dưng cho biết, thời gian qua các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Nông, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quan tâm cử lãnh đạo, nhân viên xuống cơ sở, trực tiếp gặp gỡ nông dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp để nắm bắt tình hình, tìm giải pháp, kết nối với các doanh nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Hiện nay tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân vẫn đang gặp khó khăn, chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa, sớm thiết lập “vùng xanh” và “luồng xanh” cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi.

Cây bơ của huyện Đắk Mil dẫn đầu toàn tỉnh Đắk Nông về diện tích và sản lượng với 690 ha, ước khoảng 5.200 tấn. Sản lượng bơ còn lại đến cuối vụ hơn 2.300 tấn. Giá bơ năm nay giảm xuống khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nhà vườn chưa tìm được đầu ra khiến trái bơ bị hư hỏng. Ông Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil có 4ha bơ trồng xen canh ước sản lượng hơn 30 tấn.

Ông Hoan cho biết, những năm trước bơ mới chuẩn bị vào vụ thu hoạch ngày nào cũng có thương lái đến thăm vườn. Năm nay bơ đã cận kề ngày thu nhưng không có thương lái đến mua, gia đình đã liên hệ các đơn vị thu mua những năm trước nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ không mua. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cũng hỗ trợ, giới thiệu một số doanh nghiệp nhưng khi liên hệ họ trả giá rất thấp, với lý do phải vận chuyển đi xa, giá vận chuyển tăng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, Sở đã chủ động thành lập “Tổ công tác đặc biệt”, chia theo khu vực để cử cán bộ, chuyên viên trực tiếp về cơ sở phối hợp chính quyền địa phương và người dân tìm giải pháp hỗ trợ để tiêu thụ nông sản cho người dân. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan họp bàn giải pháp đồng bộ, tham mưu tỉnh Đắk Nông ban hành kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo đó, ngành nông nghiệp làm đầu mối, các đơn vị liên quan tùy vào chức năng, đặc thù sẽ có các giải pháp cụ thể, kịp thời giúp nông dân tiêu thụ nông sản. 

Hiện nay các khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển, kết nối thị trường tiêu thụ về cơ bản đã được khắc phục, không còn tình trạng ứ đọng nông sản sau thu hoạch; một số ít nhà vườn và khu vực sản xuất cục bộ vẫn chưa tìm được đầu ra nguyên nhân là giữa người sản xuất và đơn vị thu mua chưa thỏa thuận được giá bán, nông sản chưa đi vào chính vụ nên nông dân đang chờ giá. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tổng hợp, thống kê, hỗ trợ, cung cấp thông tin đa chiều về giá, đơn vị thu mua, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…để người dân có cơ sở lựa chọn giải pháp tốt nhất cho nông sản của mình.

Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Lê Văn Thị cho biết, đã chỉ đạo phòng chuyên môn cập nhập tình hình hoạt động tại các cửa khẩu phía bắc đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để họ chủ động xây dựng kế hoạch vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa phù hợp. Đề nghị các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng OCOP mẫu của thành phố Gia Nghĩa. Thông tin đến các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm tham gia kênh phân phối tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử, tham gia hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản...

Sau hơn ba tuần đi vào hoạt động, “Tổ công tác đặc biệt” đã giới thiệu, kết nối tiêu thụ được hơn 11 nghìn tấn nông sản các loại cho nông dân. Trong đó, có 4.000 tấn rau củ quả các loại, 4.000 tấn sầu riêng, hơn 3.000 tấn bơ. Có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đã tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.