Đắk Nông chủ động hỗ trợ nông dân ứng phó biến đổi khí hậu

Trước sự biến đổi của khí hậu ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, thiệt hại cây trồng, Đắk Nông đã chủ động hỗ trợ nông dân áp dụng nhiều biện pháp canh tác nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng, khô hạn gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ thuộc Dự án SACCR tại tỉnh Đắk Nông hướng dẫn người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cà-phê.
Cán bộ thuộc Dự án SACCR tại tỉnh Đắk Nông hướng dẫn người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cà-phê.

Gia đình bà Lương Thị Mùi ở thôn 3, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút (Đắk Nông) canh tác gần 2 ha cà-phê. Do đất canh tác phần lớn là đất đá cằn cỗi, thiếu nước về mùa khô cho nên bà Mùi đã chủ động trồng xen các loại cây ăn trái làm cây che bóng, chắn gió giúp toàn bộ diện tích cà-phê của gia đình đã vượt qua được nắng hạn, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất ổn định.

Đến năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án "Tăng cường năng lực chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Dự án SACCR), gia đình bà Mùi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cà-phê đã giúp cho vườn cây không còn bị hạn vào mùa khô, năng suất đạt cao hơn.

Bà Mùi cho biết, việc sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm rất thuận lợi trong chăm sóc vườn cây. Hệ thống béc tưới phun mưa giúp tiết kiệm 30% lượng nước tưới, giúp cà-phê chống chịu nắng hạn lâu hơn, năng suất vượt trội so với trước, nhất là hạn chế được việc khai thác nước ngầm, góp phần bảo vệ môi trường sống được tốt hơn.

Để tạo hệ sinh thái đa tầng, giúp vườn cây phát triển trước biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, anh Lê Ngọc Quỳnh, xã Đắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) quyết định trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một đơn vị diện tích nhằm tăng thu nhập và chống biến đổi khí hậu như cà-phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ...

Để các loại cây trồng đều mang lại hiệu quả, anh Quỳnh chú trọng khâu quy hoạch vườn cây ngay từ ban đầu, trồng cây theo phân khu, phân tầng tán cây để vừa có độ che bóng vào mùa khô hạn nhưng cũng không làm rợp bóng đối với các cây trồng xen còn lại… nhờ vậy, vườn cây cho thu nhập quanh năm, chống chịu được hạn hán, đạt năng suất cao.

Cùng với việc chủ động phòng chống hạn bằng giải pháp canh tác bền vững, anh Quỳnh còn được Dự án SACCR hỗ trợ các biện pháp canh tác khoa học bằng việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, hướng dẫn kỹ thuật trồng xen… giúp cho vườn cây luôn phát triển tốt, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại, đạt năng suất khá cao.

Anh Quỳnh cho biết, trồng cà-phê kết hợp xen canh cây ăn trái theo phương pháp đa tầng, đa tán có rất nhiều lợi ích, nhất là vào mùa nắng nóng, khô hạn như hiện nay, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho việc tưới nước, cây không bị hạn sẽ cho năng suất ổn định. Cũng theo anh Quỳnh, so với canh tác một loại cây thì giải pháp canh tác đa cây, đa tầng mang lại kết quả tốt hơn, dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiệt độ và độ ẩm của vườn cây vẫn được điều hòa, tạo thành "tiểu vùng khí hậu" xanh mát, dễ chịu, giúp cây sinh trưởng và phát triển bền vững.

Giám đốc Dự án SACCR Phạm Hùng Vỹ cho biết, trong những năm gần đây, biến đổi khi hậu đã gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các nông hộ nhỏ, dễ bị tác động bởi thời tiết bất thường. Vì vậy, Dự án SACCR tại tỉnh Đắk Nông được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động liên hoàn giúp cho người dân có khả năng thích ứng nhanh, thích ứng bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Dự án hỗ trợ về đào ao tích trữ nước, hệ thống tưới nước tiết kiệm, trồng xen canh theo phương pháp đa tán đa tầng, hỗ trợ phân bón và hỗ trợ nâng cao trình độ canh tác cho bà con nông dân nhằm từng bước thay đổi nhận thức và phương pháp canh tác để phát triển bền vững.

Phó Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) Phạm Công Trí cho biết, để thích ứng biến đổi khí hậu thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là rất quan trọng. Cùng với đó, giải pháp trồng xen canh vừa tạo tiểu vùng khí hậu, cây che chắn gió, bóng mát, lại có thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho nên người dân cần phát triển theo định hướng này thì nông nghiệp mới hướng tới bền vững. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, quản lý thảm phủ, chú trọng bảo vệ rừng, trồng rừng… là những giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả nhất hiện nay mà các nền nông nghiệp tiên tiến đang áp dụng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Ngô Xuân Đông cho biết, để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, từ năm 2018 đến năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109 ha đất lúa, đất xa nguồn nước sang các loại cây trồng cần ít nước tưới. Tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi hơn 2.860 ha, đến năm 2030 chuyển tiếp 5.696 ha. Nguyên nhân phải chuyển đổi chủ yếu do những diện tích cây trồng này ở những vùng thiếu nước vì hạn hán, mạch nước ngầm thấp, đất đai cằn cỗi, không đúng quy hoạch.

Trong mùa khô năm 2024 và những năm tiếp theo, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân về tình hình, diễn biến thời tiết, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; đồng thời hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn. Về lâu dài, cần đầu tư nâng cao dung tích các hồ chứa hiện trạng và thực hiện đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi, nhất là tại các khu vực thường xuyên thiếu nước tưới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng kế hoạch và khuyến khích thu hút nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm liên kết, kết nối nguồn nước liên vùng; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước.

Rà soát, thực hiện giải pháp trồng rừng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Thực hiện canh tác hợp lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể từng khu vực.

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cần thực hiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động hỗ trợ và khuyến khích hộ nông dân, hợp tác xã chuyển đổi mô hình canh tác theo định hướng chống biến đổi khí hậu, hướng đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững.