Được cảm hóa bằng tấm lòng bao dung, ấm áp, nhiều người lầm lỗi đã từ bỏ suy nghĩ tham gia các hội, nhóm phản động và yên tâm làm ăn, chăm lo gia đình để cùng giữ gìn sự bình yên cho buôn làng.
Ở LẠI BUÔN LÀNG
Ngày nào anh Y Kur Bdap ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cũng tất bật với công việc. Ở trong buôn, nhà nào cần thợ lắp cửa cũng gọi anh. Cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn: đo, cưa, hàn, lắp ráp cửa sắt, tay nghề anh Y Kur Bdap ngày càng cao và được bà con tin tưởng. Y Kur Bdap từng bị tuyên phạt 17 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết; trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Nhờ cải tạo tốt, anh được giảm án nhiều lần và ra tù trước thời hạn bốn năm. Trở về nhà, anh tu chí làm ăn, cùng gia đình và bà con trong buôn phát triển kinh tế. Năm 2024, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 80 triệu đồng để làm kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó, vợ chồng anh mở quán ăn, buôn bán để có thêm thu nhập lo cho con cái học hành. Y Kur Bdap trải lòng: “Nhờ được học nghề trong những năm đi cải tạo, tôi chăm chỉ làm ăn, lo cho vợ, con. Quê hương của mình, đất đai của mình, đất nước của mình. Ở lại buôn làng của mình thôi, tôi không muốn đi đâu hết”.
Sau vụ mùa cà-phê vừa thu hoạch, gia đình anh Y Jol Bkrông ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin là một trong những hộ thu được nhiều cà-phê nhất trong buôn. Trừ chi phí đầu tư, nhân công, gia đình anh lãi 200 triệu đồng. Anh thấy may mắn khi được quay về với rừng núi, buôn làng quê hương để dựng xây cuộc sống mới. 24 năm trước, anh Y Jol Bkrông từng nghe theo các đối tượng vận động người dân trong buôn vượt biên trái phép.
Anh đã nhận ra những sai lầm của mình và luôn khát khao được quay về buôn làng. Đầu năm 2019, chấp hành xong hình phạt tù, anh trở về quê hương sinh sống. Anh Y Jol Bkrông chia sẻ: “Quê hương của cha mẹ, của mình rất tốt đẹp. Buôn làng đã rộng lòng cưu mang tôi. Anh em công an, cán bộ ở đây luôn lo lắng, quan tâm đến bà con, đến buôn làng, nên tôi học hỏi theo. Nhà nước mở trường học để tôi có kiến thức, có nghề mà làm ăn”.
Anh Nay Biên ở buôn Bung Tang, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo cũng từng bị các đối tượng phản động dụ dỗ, lôi kéo vượt biên trái phép sang Lào và Thái Lan. Trở về quê hương sinh sống, trong ngôi nhà mới, anh kể về quá khứ lầm lỗi của mình: “Năm 2003 đến 2008, do trình độ, nhận thức còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trong tỉnh và cả nước còn gặp nhiều khó khăn, tôi đã nghe lời kẻ xấu đi tuyên truyền, xúi giục bà con trong buôn, trong xã và bị chính quyền địa phương đưa ra kiểm điểm ba lần. Đến tháng 3/2015, nghe theo lời các đối tượng xấu dụ dỗ, tôi giấu vợ con vượt biên trái phép. Những ngày tháng sống trên đất khách, cuộc sống hết sức cực khổ, nhà thuê chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Chờ đến 4 tháng sau vẫn không thấy ai đưa sang nước thứ 3 như đã hứa mà phải sống vất vưởng cho nên tôi biết mình đã bị các đối tượng lừa gạt. Nghĩ lại những gì mình đã gây ra, tôi thật sự hối hận. Nỗi nhớ vợ con, buôn làng, nương rẫy da diết đã hối thúc tôi tìm đường trở về. Trong tháng 7/2015, tôi đã liên hệ Công an huyện Ea H’leo để được hướng dẫn trở về nước và làm lại cuộc đời theo con đường sáng”.
Về đến quê hương, anh Nay Biên được cán bộ, già làng cùng công an xã động viên, giúp đỡ để nhận ra việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của mình. Với Nay Biên bây giờ, không có nơi nào bằng buôn làng, quê hương yên bình. Từ ngã rẽ cuộc đời quay về con đường sáng, anh không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia Ban tự quản buôn cùng tuyên truyền, vận động bà con trong buôn gắn bó xây dựng quê hương.
VÌ BÌNH YÊN BUÔN LÀNG
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Việc bảo đảm an ninh và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Với đặc điểm dân cư đa dân tộc, đa tôn giáo, tỉnh Đắk Lắk luôn là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức phản động, vượt biên trái phép. Trong những năm qua, cán bộ cấp ủy, chính quyền, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk không ngừng nỗ lực gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc và quan tâm đến những người lầm lỡ trở về.
Chính sách nhân văn, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền, tình nghĩa đồng bào đã giúp nhiều người lầm lỡ cảm hóa, hối cải để trở về gắn bó với quê hương. Các tổ tuyên truyền đã vận động hàng trăm tín đồ từ bỏ các sinh hoạt tôn giáo trái phép, quay về với sinh hoạt tôn giáo tại các tổ chức hợp pháp. Nỗ lực xây dựng đoàn kết trong cộng đồng, bà con tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, xây dựng buôn làng giàu đẹp, văn minh. Già làng, người có uy tín Y Sin Bkrông ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin bày tỏ: “Khi có của ăn, của để, có nhà ở thì thanh niên trong làng không nghe theo kẻ xấu, không vượt biên trái phép và biết sống vì đồng bào của mình. Trước đây, nhiều người thiếu hiểu biết, nghe theo lời kẻ xấu nhưng đã được buôn làng bao dung, giúp hòa nhập cộng đồng cho nên người từng sai lầm nhìn nhận lại, thay đổi và giáo dục con cháu sống tốt hơn”.
Các hình thức tuyên truyền qua các buổi phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua mạng xã hội và sinh hoạt đoàn thể ở địa phương, cơ sở được tổ chức thường xuyên để nhân dân nhận thức đúng, đề cao cảnh giác, không để bị lợi dụng thực hiện hành vi chống phá. Người có uy tín, ban tự quản thôn, buôn có nhiệm vụ lan tỏa thông tin đến người dân, nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt” trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ vay vốn, dạy nghề cùng nhiều mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế để những người “trở về” có việc làm, thu nhập và được bà con đón nhận trong tình làng nghĩa xóm.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Để bảo đảm an ninh trật tự cơ sở, lực lượng Công an tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất để hỗ trợ hiệu quả tốt hơn nữa. Tham mưu giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, nhất là những vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đất đai, vấn đề kinh tế đối với các công ty nông-lâm nghiệp mà bà con có yêu cầu”.
Với người dân, chính niềm tin với Đảng, Nhà nước đã giữ gìn và củng cố khối đoàn kết dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở để buôn làng bình yên, đưa Tây Nguyên phát triển hơn nữa. Bởi, không đâu bằng quê hương mình.