Tăng cường phối hợp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các trường học

NDO - Ngày 22/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Chương trình nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức, năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Sau 5 năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giao dục và Đào tạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, kế hoạch chuẩn bị, phòng ngừa thiên tai như: Các Nghị định về huy động và triển khai nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả và phục hồi, tái thiết sau thiên tai; thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; Dự thảo Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành tài liệu hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục về trường học an toàn trong trường trung học cơ sở, nhiều tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong trường học…

Bên cạnh đó, hai bộ phối hợp thực hiện một số hoạt động nâng cao sự hiểu biết về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bao gồm các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các bậc phụ huynh và các em học sinh; tổ chức một số sự kiện, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai…

Đặc biệt, năm 2023 với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, hai ngành đã phối hợp tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2023 với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” tại thành phố Hội An. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 8 bộ, ngành, đoàn thể ký kết kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030; một số địa phương đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống rủi ro thiên tai hướng đến trẻ em, học sinh trên địa bàn bằng nhiều nguồn lực khác nhau…

Tăng cường phối hợp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các trường học ảnh 1
Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Tiến cho biết: Việt Nam phải hứng chịu 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...

Thiên tai ở nước ta đang xảy ra ngày một bất thường, cực đoan và trái quy luật. Trẻ em, học sinh chiếm 28% dân số Việt Nam và là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra… Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo hướng đến đối tượng là các em học sinh đã dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh các văn bản luật, chiến lược quy định nội dung về công tác phòng, chống thiên tai cho trẻ em, học sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 20230” trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đào tạo tấp huấn cho giảng viên, giáo viên; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong chương trình giảng dạy; bổ sung tiêu chuẩn “Trường học an toàn trước thiên tai”; bảo đảm an toàn cho học sinh, cơ sở hạ tầng giáo dục khi thiên tai xảy ra…

Tăng cường phối hợp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các trường học ảnh 2

Các đại biểu tìm hiểu về hộp thực phẩm cứu trợ khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai.

Trong 5 năm thực hiện chương trình phối hợp về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả tại Trung ương và địa phương như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong trường học; tổ chức các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, sự kiện truyền thông kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai những hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh…

“Mặc dù còn những tồn tại, khó khăn trong phối hợp và triển khai cụ thể nhưng kết quả cho thấy kiến thức và kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng, chống thiên tai quốc gia”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập đánh giá những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục-đào tạo ở các cấp trong giai đoạn tiếp theo.