Đắk Lắk nỗ lực ngăn chặn dịch bạch hầu

NDO -

Những ngày gần đây, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Đa số các trường hợp mắc bệnh bạch hầu đều ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc vùng lõm tiêm chủng vắc-xin và đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân bạch hầu liên tục gia tăng khiến người dân trên địa bàn hết sức lo lắng, đòi hỏi ngành y tế Đắk Lắk phải nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Cán bộ y tế tỉnh Đắk Lắk về tận vùng sâu tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân. 
Cán bộ y tế tỉnh Đắk Lắk về tận vùng sâu tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân. 

Trường hợp mắc bạch hầu được phát hiện gần đây nhất là vào ngày 20-8, bệnh nhân là em H.N.O., sinh năm 2006, dân tộc M’Nông, trú tại buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Theo điều tra yếu tố dịch tễ, bệnh nhân khởi bệnh với các triệu chứng sốt, đau họng, amidan sưng, có giả mạc và được người nhà đưa vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk. Đến ngày 19-8, Trung tâm Y tế huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm, ngày 20-8 có kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Hiện, bệnh nhân đang được cách ly theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk.

Theo Trung tâm Y tế huyện Lắk, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã ghi nhận bốn trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại ba xã Bông Krang, Đắk Liêng và Đắk Phơi. Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Lắk phối hợp với trạm y tế các xã triển khai khoanh vùng, phun hóa chất khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và các hộ lân cận; điều tra người tiếp xúc gần và cấp kháng sinh dự phòng cho các trường hợp này uống để phòng bệnh; đồng thời lập các chốt kiểm soát người ra vào các buôn có người mắc bệnh để tránh bệnh lây lan rộng.

Trước đó, vào ngày 19-8, tại xã Krông Jin, huyện M’Đrắk cũng có một trường hợp xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, trong hầu họng có giả mạc… Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm và kết quả cho thấy bệnh nhân này mắc bệnh bạch hầu.

Chỉ trước đó vài ngày, em Y.H.H., sinh năm 2004, dân tộc Ê Đê ở buôn Za, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, có giả mạc hai bên thành họng… Ngày 13-8, gia đình đã đưa em đến khám tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nghi mắc bạch hầu và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Ngay sau đó, gia đình tức tốc đưa em đến cách ly, theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Như vậy, tính đến ngày 21-8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 36 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 13 xã thuộc năm huyện, gồm huyện Krông Bông 15 trường hợp, huyện M’Đrắk chín trường hợp, huyện Cư M’gar sáu trường hợp, huyện Lắk bốn trường hợp và huyện Cư Kuin hai trường hợp.

Là địa phương có nhiều bệnh nhân bạch hầu nhất tỉnh Đắk Lắk hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã và đang phối hợp trạm y tế các xã triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế, bao vây, ngăn chặn, không để dịch lây lan rộng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Cụ thể, đến nay Trung tâm Y tế huyện đã triển khai tiêm hơn 22.130 mũi vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên trên địa bàn các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Hòa Phong, Yang Mao, Hòa Sơn; tổ chức khám sàng lọc và cấp phát trên 28.270 viên thuốc kháng sinh Erythromycin uống phòng cho 2.110 người tại các địa phương có bệnh nhân bạch hầu; phun hóa chất khử khuẩn cho 1.780 hộ dân ở các thôn Cư Rang, Ea Uôl, Cư Tê, Ea Lang, xã Cư Pui và thôn Tơng Rang B, xã Cư Đrăm…

Cùng với công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện cũng đã thường xuyên tổ chức các hội nghị truyền thông trực tiếp đến tận cơ sở về kiến thức cơ bản để phòng, chống bệnh bạch hầu; phát những nội dung này trên đài truyền thanh xã và loa di động tại các thôn, buôn trên địa bàn huyện, trong đó nhiều thôn, buôn còn được dịch ra tiếng dân tộc để tuyên truyền hiệu quả.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, theo kế hoạch, ngành y tế huyện tiếp tục triển khai tiêm gần 40 nghìn mũi vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên trên địa bàn năm xã: Cư Đrăm, Cư Pui, Hòa Phong, Yang Mao và Khuê Ngọc Điền. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó tập trung tiêm xong mũi một tại các xã có trường hợp mắc bệnh, sau đó triển khai tiêm trên toàn huyện.

Tại huyện Lắk, sau khi phát hiện trường hợp thứ tư mắc bệnh bạch hầu, ngành y tế huyện đã cách ly các trường hợp mắc bệnh và gần 100 trường hợp nghi nhiễm do tiếp xúc gần để theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Trong những ngày qua, lãnh đạo Sở Y tế phối hợp Trung tâm Ytế huyện cùng với chính quyền địa phương đã xuống tận địa bàn các ổ dịch bạch hầu tại các xã Bông Krang, Đắk Liêng và Đắk Phơi giám sát việc khoanh vùng cách ly các ổ dịch, phun hóa chất khử khuẩn trong vòng bán kính 500 m từ các ổ dịch, đồng thời cách ly cộng đồng và cho uống kháng sinh dự phòng cho gần 2.000 người dân, rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng tại địa phương và tiến hành tiêm chủng bổ sung, đồng thời lập các chốt kiểm soát dịch bệnh…

Đắk Lắk nỗ lực ngăn chặn dịch bạch hầu -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an và đoàn viên, thanh niên tỉnh Đắk Lắk tích cực tham gia phát khẩu trang y tế phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. 

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết, ngay khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn và cũng là bệnh nhân bạch hầu đầu tiên của tỉnh, Trung tâm Y tế huyện đã có văn bản tham mưu với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực ổ dịch, triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân vùng ổ dịch.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu làm xét nghiệm nhanh các trường hợp có tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh. Với sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, từ đó đến nay tại xã Bông Krang không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh mới, các trường hợp mắc bệnh tại các địa phương khác đang được cách ly, theo dõi và điều trị bệnh tích cực. Các trường hợp mắc bệnh rất có ý thức trong việc phối hợp cán bộ y tế trong điều trị bệnh như: khai báo thành thật các yếu tố dịch tễ, thực hiện các quy trình vệ sinh, khử khuẩn tại khu vực cách ly và uống thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế nên đến nay sức khỏe đều tiến triển tốt.

Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Chưa bao giờ như năm nay, cùng một thời điểm ngành y tế tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt với tình trạng “dịch chồng dịch” như hiện nay, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch bạch hầu và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác khiến ngành y tế đuối sức. Tuy nhiên, vì sức khỏe của nhân dân, thời gian qua rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân và các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tiếp sức và đồng hành cùng với ngành y tế phòng, chống dịch bệnh, như tham gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống dịch; tham gia tổ chức cách ly, phong tỏa các khu dân cư, thôn, buôn có người bệnh; tổ chức quyên góp hàng tấn rau xanh phục vụ cho nhân dân trong các khu cách ly, hàng nghìn khẩu trang y tế, chất sát khuẩn và nhiều trang thiết bị khác hỗ trợ ngành y tế cùng các ngành, đơn vị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch…

 Đối với dịch bạch hầu, tại những địa phương có ổ dịch và khi xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu mới, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế luôn căng mình ngày đêm thực hiện khoanh vùng, dập dịch, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống, triển khai phun thuốc khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân uống thuốc kháng sinh dự phòng…

Đối với các huyện có nhiều bệnh nhân bạch hầu, ngành y tế đã và đang triển khai tiêm vắc-xin Td phòng bệnh bạch hầu cho tất cả người dân trong địa bàn xã có ca bệnh. Ngoài ra, các địa phương khác cũng đang trong quá trình triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho tất cả các đối tượng trong toàn tỉnh theo kế hoạch của Bộ Y tế và UBND tỉnh Đắk Lắk.

Với sự nỗ lực của ngành y tế cũng như các cấp, các ngành và sự hỗ trợ, hợp tác của nhân dân trong tỉnh, tình hình các dịch bệnh nói chung, dịch bạch hầu nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh bạch hầu