Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115,5 nghìn ha, nằm trên địa bàn biên giới của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây là khu vực có thời tiết khắc nghiệt, mùa khô kéo dài đến 6 tháng, thời tiết nắng nóng và hanh khô cao hơn so với các khu vực khác trong tỉnh.
Bên cạnh đó, rừng ở đây chủ yếu là hệ sinh thái rừng khộp duy nhất ở Việt Nam, rừng rụng lá vào mùa khô và loại hình thảm thực bì chủ yếu gồm trảng cỏ, cây bụi, le, lau lách... rất nhanh khô trong những tháng mùa khô, nhất là dưới tán rừng khộp cho nên nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Ở vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn có buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với 113 hộ, hơn 500 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đồng thời rải rác trong vườn quốc gia này còn có nhiều hộ dân sinh sống, sản xuất từ trước khi thành lập vườn.
Ngoài ra, chung quanh Vườn có 7 xã vùng đệm thuộc 3 huyện gồm huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và huyện Buôn Đôn, Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk với hơn 50.000 người dân sinh sống. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nương rẫy sản xuất gần bìa rừng và hiện nay đang vào mùa phát nương, dọn rẫy chuẩn bị cho vụ mùa mới cho nên nguy cơ lửa cháy lây lan gây ra cháy rừng là rất lớn. Chưa kể tình trạng chăn thả gia súc vào vườn quốc gia và người dân vào rừng săn bắt thú rừng, đốt ong lấy mật... vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn Nguyễn Hữu Tạo cho biết, vườn đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phương án phối hợp, huy động lực lượng chữa cháy rừng; đồng thời thành lập ban chỉ huy và các đội, tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các trạm kiểm lâm với 100% quân số túc trực, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát nạn phá rừng, nguy cơ cháy rừng; đốt thực bì có kiểm soát; làm hàng chục km đường băng cản lửa ở khu vực bìa rừng và khu vực trọng yếu; luôn bám buôn làng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặt khác, Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị máy móc để chủ động nếu xảy ra cháy rừng.
Nằm tiếp giáp với Vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk hiện đang quản lý hơn 10,4 nghìn ha rừng, trong đó có 4.406 ha rừng phòng hộ và 5.909 ha rừng sản xuất. Diện tích rừng phòng hộ ở đây chủ yếu là rừng khộp, nguy cơ cháy rừng cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Lê Danh Khởi cho biết, để giảm nguy cơ cháy rừng, từ đầu mùa khô, đơn vị đã chỉ đạo 5 trạm quản lý, bảo vệ rừng thực hiện tốt việc tổ chức đốt thực bì có kiểm soát; ngày đêm tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đóng được hơn 400 bảng cấm lửa và tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực gần khu dân cư, địa bàn trọng yếu; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng kế hoạch huy động lực lượng địa phương để xử lý khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ" gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ…
Cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn Ea Sô, huyện Ea Kar cũng đang căng mình triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô Lê Minh Tiến cho biết, đơn vị hiện đang quản lý hơn 26,8 nghìn ha rừng, trong đó có nhiều thảm thực vật có nguy cơ xảy ra cháy rất cao vào mùa khô. Ngoài ra, Khu bảo tồn có tuyến Quốc lộ 29 chạy qua, người dân hay xâm nhập vào rừng bằng đường mòn, lối mở để bẫy thú, đốt ong lấy mật... cũng thêm áp lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy; chủ động bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng các thôn, buôn tiến hành tuần tra, kiểm soát tình trạng phá rừng và canh "giặc lửa".
Ở những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, đơn vị đã cày ủi đường băng cản lửa và bố trí chòi canh lửa để theo dõi, kiểm soát mọi tình huống...
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 413 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 83 nghìn ha rừng trồng. Nhiều tháng qua không có mưa và hiện nay thời tiết đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2024, nắng nóng và hanh khô diễn ra trên diện rộng, nhất là tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, M’Đrắk... nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng kết hợp với phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng năm 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh bạn; xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn...