Đại hội Đảng lần thứ XIII - mốc son lịch sử của Việt Nam

NDO -

Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga ngày 20-1 đăng bài viết của tác giả Pavel Vinogradov, theo đó khẳng định Đại hội toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, khai mạc ngày 25-1 tới sẽ là sự kiện trọng đại, là “mốc son lịch sử trong đời sống chính trị của Việt Nam”. 

Giao diện bài viết trên tờ Tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga (Ảnh chụp màn hình)
Giao diện bài viết trên tờ Tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga (Ảnh chụp màn hình)

Mở đầu bài viết, tác giả tin tưởng rằng mọi quyết sách do Đảng Cộng sản đề ra tại Đại hội lần này sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đất nước một trăm triệu dân, đang phát triển năng động và tự tin tiến tới mục tiêu đã lựa chọn, đó là xây dựng “Nhà nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bài viết phản ánh với bạn đọc Nga về những con đường ở thủ đô Hà Nội lúc này được trang trí bằng những tấm áp phích rực rỡ, mang hình ảnh cờ đỏ, búa liềm. Tại các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp, trường đại học, hay các cơ quan… khắp nơi diễn ra các cuộc mít-tinh chào mừng Đại hội, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước. Toàn xã hội đang sôi nổi thảo luận những vướng mắc, vấn đề mà người dân mong muốn đưa ra Đại hội xem xét. Các đại biểu từ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ hội tụ về thủ đô tham dự Đại hội, bầu chọn những gương mặt xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, thông qua các nhiệm vụ tiếp theo nhằm phát triển nền kinh tế - xã hội. 

Bài báo khẳng định trong hơn 90 năm qua, các kỳ đại hội Đảng luôn là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong đời sống xã hội Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng cộng sản và truyền thống cách mạng, là người lãnh đạo thực sự của toàn dân, người phát ngôn cho những mong muốn và lợi ích sống còn của đất nước. Tác giả viết: “Được thành lập năm 1930, bởi vị lãnh tụ huyền thoại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong, ngọn cờ đầu, đưa đất nước đạt nhiều thành tựu trong công cuộc kiến ​​tạo hòa bình, xây dựng xã hội công bằng văn minh, củng cố nền an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc”. 

Tác giả viết: Kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12 năm 1986),  Việt Nam thực hiện “đường lối đổi mới”, đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, đưa đất nước theo con đường phát triển đi lên bằng chính nội lực của mình. Bản chất của các cuộc cải cách bắt đầu thời điểm đó là việc công nhận tất cả các thành phần kinh tế, kể cả thành phần kinh tế tư nhân, khuyến khích các nhà đầu tư trong, và ngoài nước, “mở cửa” thông thương với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là sự sụp đổ của Liên Xô - đối tác chính của Việt Nam - có rất ít tác động đến tốc độ cải cách kinh tế của Hà Nội. Ngược lại: nó chỉ khiến Việt Nam tăng tốc và mở rộng mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Những kết quả đạt được trong những năm qua là minh chứng thuyết phục tính đúng đắn của đường lối và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ chính sách khôn ngoan, nhìn xa trông rộng, Việt Nam đã thành công đáng kể. Giờ đây, Việt Nam đang vững vàng tiến tới Đại hội XIII với những kết quả đáng khích lệ. Trong năm năm qua, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đạt 6-7% mỗi năm, ngoại trừ năm vừa qua, khi cả thế giới phải đối mặt đại dịch Covid-19.  

Tác giả khẳng định bất chấp những tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và thiên tai chồng thiên tai, năm qua Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không nhỏ, cải thiện đời sống người dân, khôi phục kinh tế và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Trong cuộc chiến chống đại dịch, Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng cho cả thế giới, những thành công của y tế Việt Nam được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Năm 2019, tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam là 7,02% và năm 2018 đạt 7,08%... Những thành tựu này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng 200 quốc gia tăng trưởng GDP, tạo thêm 28 triệu việc làm, tỷ lệ nghèo đói giảm gần 3 lần (từ 9,8% xuống 3%), bảo hiểm y tế  bao phủ 91% dân số. Tất cả những dữ liệu này là bằng chứng thuyết phục về sự khôn ngoan và hiệu quả của chính sách đối nội mà lãnh đạo Việt Nam kiên định qua các thời kỳ.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất hiện nay trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp đại dịch. Các nhà đầu tư bị thu hút bởi nguồn lao động dồi dào giá rẻ, thanh niên được giáo dục tốt và sẵn sàng làm việc, nhiều ưu đãi trong chính sách pháp luật, điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Quốc tế (MIGA), các nhà đầu tư nước ngoài được truyền cảm hứng chính bởi sự ổn định của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương mạnh mẽ, mức độ an toàn công cộng cao, tỷ lệ tội phạm thấp, bản chất thân thiện và hiếu khách của người dân.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, với những nhiệm vụ lớn hơn và tham vọng hơn, có tính đến những thay đổi đang diễn ra trong xã hội và tình hình thực tế quốc tế. Việt Nam sẽ xác định phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2026, cũng như giai đoạn đến năm 2030, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045, khi đất nước tròn 100 năm xây dựng và phát triển.

Ở phần tiếp theo, tác giả đề cập bài viết trên Báo Nhân Dân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ​​cho rằng đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, cải thiện và nâng cao hơn nữa các lĩnh vực đời sống, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường. Đảng đặc biệt chú trọng củng cố cơ sở pháp lý của nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội, phát triển hài hòa lợi ích cá nhân với xã hội. 

Kinh nghiệm độc đáo của Việt Nam trên con đường tự lực tự cường đang thu hút sự chú ý rộng rãi ở khắp nơi. Nó được quan tâm một cách nghiêm túc từ giới chuyên gia, các nhà khoa học, cho đến các chính trị gia dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo nhà nước. Nó được nghiên cứu tại các trường đại học lớn, chuyên ngành chính trị, kinh tế. Tác giả chia sẻ sự thú vị đặc biệt “khi dõi theo cuộc sống hằng ngày của một dân tộc không hề xa lạ với Nga”. Trong dòng thông tin đến từ khắp nơi trên thế giới, báo chí luôn nêu bật vị thế ngày càng tăng và vai trò tích cực của Việt Nam trên chính trường quốc tế từ năm này qua năm khác. Vào thời điểm này, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia.

Tác giả viết: “Năm 2020 thật đặc biệt, khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và với tư cách là Chủ tịch luân phiên trong một tháng, Việt Nam chủ trì các cuộc họp, trong đó những vấn đề quan trọng nhất về duy trì hòa bình, ổn định và trật tự ở nhiều nơi trên thế giới đã được giải quyết. 192 trong số 193 đoàn đã bỏ phiếu cho Việt Nam, điều này nói lên một cách thuyết phục thái độ vô cùng tôn trọng và sự tín nhiệm cao của cộng đồng thế giới. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được chọn là nơi gặp gỡ cấp cao Mỹ - CHDCND Triều Tiên, và trước đó Đà Nẵng cũng trở thành địa điểm tổ chức hội nghị cấp cao APEC”.

Việt Nam trở thành thành viên LHQ năm 1977. Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện là một bên tham gia tích cực và có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, tạo được uy tín lớn. Việt Nam từng được bầu vào cơ cấu điều hành của các cơ quan chuyên môn khác nhau - ECOSOC, IAEA; hai lần được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Tác giả khẳng định: “Việc các bạn Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và các "điểm nóng" khác đã nhận được sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế”. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, nhờ nỗ lực, sự kiên nhẫn và tinh tế làm việc với các đối tác, Việt Nam đã góp phần đáng kể vào thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội, khi ký kết thỏa thuận về Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Bài báo kết luận: “Hà Nội luôn khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo và kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các tình huống tranh chấp”. Năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy nội lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết sẽ được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.