Tham dự Đại hội có đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai.
Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; cùng sự tham dự của 250 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 47.700 đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong tỉnh.
Đại hội lần này với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ III năm 2019. Đồng thời, Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đến năm 2029.
Qua đó, khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, thực hiện chính sách dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định một lòng theo Đảng, phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục góp phần đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại đại hội. |
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ 4 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc; đồng thời tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.
Mặt khác, Đại hội còn là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội cũng sẽ thông qua quyết tâm thư để xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029.
Đồng chí Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định báo cáo tại đại hội. |
Báo cáo tại đại hội, đồng chí Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Có 39 dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2023 có 11.446 hộ/47.784 người, chiếm khoảng 2,99% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (so với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số) cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 người, chiếm 40,21% (giảm 23,79% và 2.291 hộ so với cuối năm 2018).
Trên địa bàn tỉnh có 22 xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (nay còn 21 xã khu vực III, vì xã Vĩnh An thuộc huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023) và 7 thôn đặc biệt khó khăn của 5 xã, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng bào có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; có lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại đại hội. |
Phát biểu tại đại hội, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, mặc dù đạt được những thành tựu như báo cáo chính trị đại hội đã nêu, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định vẫn phải đối mặt những khó khăn thách thức.
Đó là: Hiện nay đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Điều kiện sống mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với các khu vực khác của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo và hộ tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm vẫn còn ở mức cao (năm 2023 là 40,2%).
Do vậy, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua để tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương mình, để quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn.
Tại đại hội, nhiều mục tiêu cụ thể đã được đặt ra để góp phần nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tại đại hội, các ý kiến tham luận đã tập trung vào một số nội dung như: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đến người nghèo và người dân tộc thiểu số. Đặc biệt cần tăng nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay cho hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số có phương án phát triển sản xuất; có cơ chế chính sách động viên con em đồng bào dân tộc thiểu số trong học tập...
Đại hội lần này đã đề ra các mục tiêu đến năm 2029 như: tỷ lệ giảm nghèo hằng năm 3-4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III ) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
Duy trì 100% xã có đường ô-tô được nhựa hóa, bê-tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê-tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…