Đại học Tây Bắc - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Bắc

NDO -

Trong hai ngày 14 và 15-11, Trường đại học Tây Bắc tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập trường và khai giảng năm học mới 2020 – 2021. Đây cũng là dịp đề ra những mục tiêu, giải pháp đưa nhà trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực.

Đại học Tây Bắc - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Bắc

Cách đây hơn 60 năm, vào sáng ngày 7-5-1959, tại sân vận động huyện Thuận Châu (Thủ phủ Khu Tự trị Thái – Mèo) hàng chục nghìn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp các vùng trong vùng Tây Bắc náo nức kéo về tham dự buổi lễ mít-tinh kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và đón Bác Hồ cùng Đoàn đại biểu của Chính phủ về thăm, nói chuyện.

Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện với đồng bào, Người khen ngợi cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, tham gia kháng chiến thắng lợi. Người căn dặn: “Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to lớn hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được ấm no, đều biết chữ, làm cho mọi người đầu được hưởng hạnh phúc, yên vui”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, ngay tại nơi Người đứng nói chuyện với đồng bào đã ra đời Trường đại học Tây Bắc ngày nay. Ngày 30-6-1960, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký ban hành Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập các Trường Sư phạm cấp 2 liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp 2 đặt tại Khu tự trị Thái - Mèo. Từ cuối năm 1962, đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc, nhà trường cũng đổi tên thành Trường Sư phạm cấp 2 Khu tự trị Tây Bắc.

Trong 20 năm (1960 - 1980), thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 có trình độ trung cấp sư phạm, nhà trường đã đào tạo 2.271 giáo sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có 490 giáo sinh dân tộc ít người. Từ mái trường này, những giáo viên cấp 2 được giáo dục về lý tưởng cách mạng, được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học, được rèn luyện về kỹ năng nghề nghiệp, những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, giáo dục, đã tỏa về các bản làng, đem ánh sáng văn hóa của Đảng, của chế độ mới đến với con em và nhân dân 23 dân tộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Trong số đó, nhiều người đã trở thành những giáo viên giỏi, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục và của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sau này.

Đại học Tây Bắc - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Bắc -0

Một dấu mốc quan trọng trong chặng đường 60 năm của nhà trường, ngày 23-3-2001, Chính phủ đã ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg thành lập Trường đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Sự ra đời của Trường đại học Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, giáo dục của các tỉnh Tây Bắc và của cả nước. Lần đầu tiên trên mảnh đất miền Tây Bắc của Tổ quốc có một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng được ước vọng bao đời của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Sau 5 năm xây dựng, năm 2007, nhà trường đã di chuyển về địa điểm mới tại khu vực tổ 2, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, với quy hoach quy mô hàng chục ha, cơ sở vật chất khang trang, mang tầm vóc trung tâm đào tạo quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đến nay, trường đã mở được sáu ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, 29 ngành đào tạo trình độ đại học và hai ngành đào tạo trình độ cao đẳng thuộc các khối ngành: Sư phạm, Nông Lâm nghiệp, Du lịch, Công nghệ thông tin, Quản lý kinh tế, Quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà trường có một trường phổ thông thực hành ở trong trường.

Năm học 2019 - 2020, quy mô đào tạo của toàn trường là 5.558 học sinh, sinh viên và học viên, trong đó có: 3.500 học viên và sinh viên hệ chính quy, 1.400 học viên hệ vừa làm vừa học; 658 học sinh phổ thông, dự bị tiếng Việt, 834 lưu học sinh của nước bạn Lào. Tỷ lệ học viên và sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt 77%.

Tính từ năm 2001 đến nay, nhà trường đã đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy cho 5.973 sinh viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy cho 17.331 sinh viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ vừa làm vừa học cho 2.368 học viên; công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học cho 15.402 học viên; đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ cho 322 học viên; liên kết với các trường đại học lớn trong nước đào tạo và cấp bằng thạc sỹ cho 1.638 học viên, đáp ứng yêu cầu phát triển ở các tỉnh Tây Bắc và cả nước.

Trước yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và thực tiễn trong khu vực, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực, những năm gần đây Trường đại học Tây Bắc thực hiện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, mở rộng liên kết với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong đó, trường đã thực hiện hai đề tài nghiên cứu cấp nhà nước 92 đề tài cấp bộ, 47 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hiện tại, trường nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế như JICA của Nhật Bản, Fullbright của Mỹ, Ausfor skills của Australia và đã có thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với một số trường đại học của Nhật Bản, Australia, Ba Lan, Đức, Hàn Quốc.

Đại học Tây Bắc - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Bắc -0

Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã đón 139 đoàn trong nước và nước ngoài đến làm việc, hợp tác đào tạo và cử 68 đoàn cán bộ của nhà trường đi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ.

Về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, trường đã có một khu nhà điều hành bảy tầng, bốn khu giảng đường, tám khu ký túc xá, Trung tâm thông tin - thư viện, nhà ăn sinh viên. Đến giai đoạn 2015 – 2020, trường đã khởi công xây dựng 20/28 công trình, đạt 71% tổng số lượng các hạng mục của dự án Trường đại học Tây Bắc theo quy hoạch.

So thời kỳ trước 2010, công tác đào tạo của nhà trường đã có những bước chuyển biến tích cực, vượt trội về quản lý đào tạo và đào tạo. Để đáp ứng nhiệm vụ thời kỳ phát triển mới, đến nay, nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên 451 người, trong đó đó có 317 giảng viên, gồm ba PGS, 84 tiến sĩ, 206 thạc sĩ.

Trước những khó khăn thách thức và yêu cầu phát triển mới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Tây Bắc vẫn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đại học Tây Bắc xác định:

Đổi mới công tác đào tạo, cải tiến chương trình đào tạo và bồi dưỡng theo định hướng ứng dụng, phục vụ nhu cầu của thị trường lao động, xây dựng chương trình tiên tiến. Cải tiến phương pháp dạy - học cũng như phương pháp kiểm tra - đánh giá người học.

Thực hiện điều chỉnh cơ cấu đào tạo. Đa dạng hóa loại hình đào tạo. Đa dạng loại hình bồi dưỡng, các hình thức phục vụ cộng đồng. Chú trọng công tác tuyển sinh. Tạo dựng môi trường dạy - học hiện đại, cởi mở, thân thiện.

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ và đối ngoại theo hướng tăng tính tự chủ cho các đơn vị và cá nhân theo cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng. Huy động, kết hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các hoạt động khoa học công nghệ.

Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các dự án nước ngoài, thực hiện đào tạo lưu học sinh Lào theo kế hoạch của tỉnh Sơn La. Xúc tiến triển khai công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trao đổi học giả, trao đổi khoa học.