Trong bối cảnh 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam, quỹ đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và hợp tác từ RMIT sẽ tiếp tục gia tăng theo Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia, góp phần hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tại chuyến thăm. |
Quỹ hợp tác đã cho ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo RMIT tại Hà Nội, nơi giao lưu giữa các đối tác địa phương và chuyên gia quốc tế.
Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Australia, nhận định: “Trong 50 năm qua, Australia luôn là đối tác tin cậy của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và những tác động tích cực từ tác động mà trường đại học RMIT đóng góp cho hoạt động đối ngoại nhân dân giữa hai nước”.
Sinh viên Đại học RMIT giới thiệu sản phẩm thực hành với Thủ tướng Australia tại trung tâm Kết nối doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo RMIT tại Hà Nội. |
Trung tâm này sẽ tạo điều kiện để các cộng đồng, cơ quan chính phủ và tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Nội tăng cường hợp tác nhằm phục vụ các ưu tiên phát triển, bao gồm thành phố thông minh và bền vững, hợp tác khu vực, công nghệ mới nổi và đổi mới xã hội.
“Giáo dục có khả năng thay đổi cuộc sống, cộng đồng và nền kinh tế. Do vậy, chúng tôi cam kết hợp tác lâu dài với Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam vươn lên thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Là cơ sở giáo dục bậc cao lớn nhất của Australia tại Việt Nam và được công nhận là hình mẫu giáo dục quốc tế tại đây, chúng tôi tự hào về những đóng góp mà RMIT mang đến Việt Nam trong suốt 23 năm qua”, Giáo sư Alec Cameron, Phó Chủ tịch Hội đồng trường và Giám đốc Đại học RMIT cho biết.
(Từ trái qua phải) Tổng Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Claire Macken, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Phó Chủ tịch Hội đồng trường và Giám đốc Đại học RMIT Giáo sư Alec Cameron. |
Song song với các chương trình đào tạo đại học và sau đại học tại RMIT, trung tâm sẽ góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng cao hơn thông qua các giải pháp giáo dục ngắn hạn và các khóa đào tạo cho người lao động.