Theo đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tiếp tục thuộc Top 401+ các đại học hoạt động dưới 50 năm, được đánh giá tốt nhất thế giới. Đây là năm thứ ba liên tiếp ĐHQG TP Hồ Chí Minh xuất hiện trong bảng xếp hạng này.
Năm nay, THE xếp hạng 539 trường đại học đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tăng 64 trường so với năm ngoái. Các đại học ở châu Á chỉ chiếm vị trí Top 3 trong bảng xếp hạng này. Đó là Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore và Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc).
Bảng xếp hạng này được sử dụng phương pháp đánh giá tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới của THE, nhưng trọng số của các tiêu chí được điều chỉnh lại để phản ánh sứ mệnh và vai trò của các đại học trẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, là mở rộng quy mô và tập trung đầu tư vào nghiên cứu.
13 tiêu chí xếp hạng của THE Young University Rankings được chia thành năm nhóm gồm: giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), nghiên cứu (30%), trích dẫn khoa học (30%), triển vọng quốc tế (7,5%), thu nhập nhờ chuyển giao công nghệ (2,5%).
Trong đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh chiếm trọng số cao ở hai nhóm tiêu chí triển vọng quốc tế (39,5) và thu nhập nhờ chuyển giao công nghệ (40,8).
* Tại Kỳ thi Đánh giá năng lực năm nay, ĐHQG TP Hồ Chí Minh có các đơn vị thành viên là các trường đại học: Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Kinh tế-Luật, Công nghệ thông tin, Quốc tế, An Giang, Phân hiệu ĐHQG tại Bến Tre và hai khoa: Y, Chính trị Hành chính để thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra, kết quả kỳ thi cũng được hàng chục trường đại học khác sử dụng chung để xét tuyển.
Từ năm học 2022-2023, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh) thực hiện cơ chế tự chủ và mức học phí có sự thay đổi so với năm học trước.
Để hỗ trợ sinh viên, nhà trường sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp thực chất, hiệu quả. Theo phương án học phí mới, nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn có mức học phí từ 16 đến 20 triệu đồng/năm học.
Cụ thể, học phí 16 triệu đồng/năm học gồm sáu ngành: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin-Thư viện, Lưu trữ học. Trong năm học 2022-2023, sinh viên các ngành này sẽ được ĐHQG TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 35% học phí, còn 13 triệu đồng/năm học.
Mức học phí 18 triệu đồng/năm học gồm 14 ngành: Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Văn học, Văn hóa học, Xã hội học, Nhân học, Đông Phương học, Việt Nam học, Quản trị văn phòng, Công tác xã hội, Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Quản lý thông tin, Đô thị học.
Riêng bốn ngành Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện là 20 triệu đồng/năm học. Còn đối với nhóm ngành Ngôn ngữ, ba ngành Ngôn ngữ: Italia, Tây Ban Nha và Nga sẽ được ĐHQG TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 35% học phí, còn 15,6 triệu đồng trong năm học 2022-2023.
Hai ngành Ngôn ngữ: Pháp và Đức có mức học phí 21,6 triệu đồng/năm học và các ngành Ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành mức học phí là 24 triệu đồng/năm.
Riêng các ngành học thuộc hệ chất lượng cao sẽ có mức học phí 60 triệu đồng/năm học (Quan hệ quốc tế, Báo chí, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, Ngôn ngữ Đức, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành).
Đặc biệt, tân sinh viên còn có thể tham gia Chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn không lãi suất để học tập được thực hiện bởi Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh...
Các trường sẽ triển khai nhiều học bổng hỗ trợ sinh viên như: Chương trình khuyến học khuyến tài, học bổng của các tổ chức-doanh nghiệp, học bổng của cựu sinh viên, học bổng khuyến khích học tập, các chương trình miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội...