Đại học Quốc gia Hà Nội giữ vai trò đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

Ngày 10/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP, chính thức thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại một số trường đại học lớn của Hà Nội. Đến nay, ĐHQGHN trở thành đơn vị đóng vai trò nòng cốt và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà; là trung tâm giao lưu quốc tế về khoa học, giáo dục, văn hóa của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu thực hành của giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh QUỐC TOẢN)
Hoạt động nghiên cứu thực hành của giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh QUỐC TOẢN)

Tiên phong đổi mới

Sau 30 năm thành lập, ĐHQGHN phát triển theo mô hình là trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực lớn của đất nước, với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, ĐHQGHN có 2.739 cán bộ khoa học; trong số giảng viên cơ hữu có 66 giáo sư và 490 phó giáo sư, chiếm 24,5%; số giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học chiếm 65%. Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có đội ngũ 63 Nhà giáo Nhân dân và 141 Nhà giáo Ưu tú.

ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 36 đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, bao gồm: Chín trường đại học và năm viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập; hai trường, hai khoa, một viện nghiên cứu khoa học trực thuộc; hai trung tâm đào tạo môn chung và 14 đơn vị phục vụ, dịch vụ và Bệnh viện đại học Y Dược, Bệnh viện ĐHQGHN.

Hệ thống tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học có sự liên thông, liên kết hữu cơ (trong đó, các cán bộ khoa học làm việc tại các đơn vị là nguồn nhân lực dùng chung khi tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học).

Là cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế, bao gồm các bậc học từ bậc trung học đến tiến sĩ cho nên công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là một trong các nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.

Chỉ riêng từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đào tạo chuyên thuộc ĐHQGHN đã phát hiện, đào tạo bồi dưỡng các học sinh giỏi và học sinh tài năng đạt kết quả xuất sắc, dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

Trường trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu khối các trường chuyên ở Việt Nam, với tổng số 301 huy chương Olympic quốc tế và khu vực trong đó có 77 Huy chương vàng, 87 Huy chương bạc, 76 Huy chương đồng và 61 Huy chương Olympic khu vực.

Đối với đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, bên cạnh các chương trình đào tạo hệ chuẩn, ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; điển hình như dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”... được thực hiện một cách chính quy, bài bản.

Để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến và đạt chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế.

Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ là bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo.

Việc thực hiện đào tạo tiến sĩ với yêu cầu về chuẩn đầu ra, cũng như theo quy trình và chuẩn mực tổ chức và quản lý đào tạo như của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Đến nay, ĐHQGHN đã có 190 chương trình đào tạo đại học, 198 chương trình đào tạo thạc sĩ và 118 chương trình đào tạo tiến sĩ với chuẩn mực tổ chức và quản lý đào tạo như của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đào tạo được gần 280 nghìn nhân lực cho đất nước, với gần 230 nghìn cử nhân, gần 43 nghìn thạc sĩ và gần 3.000 tiến sĩ.

Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình đào tạo đặc biệt, ĐHQGHN còn tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, với việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Tiên phong mở các ngành mới, ngành, chuyên ngành thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước, như công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu… để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Cơ cấu ngành, nghề được tích cực chuyển từ khoa học cơ bản sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn.

Với hơn 400 chương trình đào tạo ở các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, từ lúc chỉ hoàn toàn các ngành khoa học cơ bản, đến nay ĐHQGHN đã đạt cơ cấu ngành nghề đào tạo như sau: Khoa học tự nhiên, Y dược 25%; Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật, Giáo dục 45%; Công nghệ-Kỹ thuật 15%; Liên ngành và các ngành thí điểm 15%.

ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục, khẳng định vị trí, vai trò tiên phong trong đo lường đánh giá, bảo đảm chất lượng.

Công tác tuyển sinh được đổi mới theo đánh giá năng lực với hệ thống bài thi chuẩn hóa. Nhiều trường đại học khác đã sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để tuyển sinh…

Bước đột phá từ đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc

Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học xuất sắc.

Thành viên phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng nhiều ưu đãi và có cơ chế làm việc linh hoạt giúp tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo.

Việc phát triển các ngành mới có tính liên ngành, mũi nhọn và các ngành kỹ thuật, công nghệ, và những lĩnh vực khoa học mới mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực đang được chú trọng và có sự đột phá.

ĐHQGHN còn chủ trì các chương trình khoa học công nghệ và tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước như: Các chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam, Dự án Trung tâm Tư liệu Việt Nam học... Các nhà khoa học tham gia nhiều nghị quyết, tư vấn chính sách và tham gia xây dựng, góp ý văn kiện đại hội Đảng các cấp.

Trong đại dịch Covid-19, ĐHQGHN thể hiện trách nhiệm tham gia chống dịch; mở Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, kịp thời tư vấn tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học của cả nước; cử đội ngũ sinh viên cán bộ Trường đại học Y Dược chống dịch tại các tỉnh phía nam. Số lượng công bố thuộc danh mục WoS/SCOPUS tăng dần theo các giai đoạn.

Trong những năm qua, cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu và người học thuộc ĐHQGHN đã nghiên cứu và công bố 11.477 công trình/bài báo được hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science đánh chỉ mục; Có 26.394 tác giả tham gia nghiên cứu; Số lượng trích dẫn trung bình xấp xỉ 15/công trình.

Nhiều chính sách, quy định mới thu hút và bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học, giảng viên giỏi cũng như tạo môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tốt nhất cho các nhà khoa học được chú trọng. ĐHQGHN cũng là đơn vị tiên phong tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư hằng năm để thu hút hợp tác với các doanh nghiệp nhằm gia tăng nguồn lực và tăng cường năng lực chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu.

Đáng chú ý, kể từ ngày 19/5/2022, ĐHQGHN chính thức chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Đây là sự kiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN đã đề ra.

Việc chuyển trụ sở đến Hòa Lạc là dấu mốc lịch sử mới và cũng mở ra nhiều cơ hội mới, những hợp tác chiến lược, tạo ra nhiều giá trị tại vùng đất giàu tiềm năng, nơi được trao gửi nhiều niềm tin và kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Đến nay, sau gần hai năm, đã có gần 30 đơn vị thành viên, trực thuộc cùng chuyển tới Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến thăm, làm việc và chỉ đạo ĐHQGHN xây dựng đô thị đại học theo mô hình “5 trong 1” tại Hòa Lạc.

Với cơ sở vật chất rộng rãi, tiện nghi và hiện đại, ĐHQGHN có điều kiện để xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo mới, biến Hòa Lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của giáo dục đại học trong giai đoạn tới. Một đô thị đại học với môi trường cảnh quan sinh thái xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn đang khởi sắc từng ngày.

Nơi đây sẽ là nơi nuôi dưỡng những ước mơ của nhiều thế hệ sinh viên trong tương lai với một đô thị thông minh, đầy đủ tiện ích từ y tế, thể thao, tới văn hóa nghệ thuật, thương mại và dịch vụ và sẽ là một trung tâm hội nghị hội thảo quốc tế lớn; trung tâm hợp tác với các doanh nghiệp lớn và ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã và đang trở thành trung tâm đào tạo và khoa học công nghệ hiện đại, hiện đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên và dự kiến năm 2025 sẽ đạt quy mô đào tạo khoảng 25.000 sinh viên học tập.

Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học trong đó có ĐHQGHN đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển ĐHQGHN ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.

Để triển khai thành công Nghị quyết 45-NQ/TW, ĐHQGHN tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, nhân dân và sự chung tay đồng lòng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo, học sinh, sinh viên.