Giám đốc Rospotrebnadzor Anna Popova nhấn mạnh rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nga đang có xu hướng xấu đi, dù rằng chưa ghi nhận tình trạng bùng nổ tỷ lệ mắc bệnh ở các khu vực. Tuy nhiên, bà Popova nhấn mạnh dịch bệnh sẽ không giảm khi mùa đông đã bắt đầu.
Bà Popova nói: “Virus nói chung rất ưa lạnh, chúng sống ở nhiệt độ từ -70 đến -20 và một số loại vaccine được điều chế ra cũng cần được bảo quản chính xác ở nhiệt độ này, vì vậy, không có lý do gì để mong đợi rằng mọi thứ sẽ tự biến mất vào mùa đông”.
Trong suốt tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tại Nga liên tục thiết lập đỉnh mới, trên dưới 25 nghìn ca mỗi ngày. Tuy nhiên điều đáng lo ngại, theo báo chí Nga, con số thật có thể còn cao gấp 10 lần, do nhiều ca nhiễm bệnh không được đăng ký thống kê, vì bệnh nhân tự điều trị tại nhà mà không tìm đến bác sĩ, hoặc số ca nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng, triệu chứng nhẹ, khiến bản thân bệnh nhân cũng không biết. Hơn nữa, 25-30% tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả sai cũng là một vấn đề.
Bà Popova nhấn mạnh, điều quan trọng vẫn là tuân thủ tất cả các quy tắc an toàn vệ sinh dịch tễ. Bà nêu rõ: “Sẽ không cần áp đặt giãn cách xã hội, nếu các biện pháp vệ sinh dịch tễ được tuân thủ nghiêm túc”.
Trong khi đó, ông Aghasi Tavadyan, chuyên gia thống kê và mô hình hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nga cho rằng tình trạng gia tăng hằng ngày về số người mắc bệnh ở hầu hết các khu vực tại Nga đã tương đối ổn định.
Theo ông, tại 23 vùng trong số 85 khu vực trên toàn liên bang đã gần đạt mức cao nhất về tỷ lệ mắc bệnh. Tốc độ gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận đã chậm lại tại nhiều khu vực, dù vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá tổng quan tại các thành phố lớn.
Trong khi đó theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các khu vực dẫn đầu về số người nhiễm Covid-19 gồm châu Mỹ, châu Âu và Đông - Nam Á. Ba quốc gia có số ca nhiễm virus corona cao nhất là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Và theo tính toán của các chuyên gia của WHO, cứ 17 giây ở châu Âu lại có một người thiệt mạng do hậu quả của nhiễm Covid-19.
Giám đốc WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge cho biết, hơn 80% quốc gia châu Âu trong hai tuần qua đã báo cáo tỷ lệ mắc hơn 100 trường hợp trên 100 nghìn dân. Ngoài ra, ông Kluge cũng lưu ý hệ thống y tế của các nước đang tiệm cận giới hạn đỏ về công suất hoạt động. Cụ thể, ở Pháp, 95% gường bệnh chăm sóc đặc biệt đã được huy động, trong khi tỷ lệ này ở Thụy Sĩ là 100%.
Dự đoán về thời điểm đại dịch tạm lắng dịu, Tiến sĩ Khoa học Y tế, chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm của Nga, ông Vladislav Zhemchugov, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên “Moscow 24” cho rằng, đại dịch chỉ kết thúc khi số người miễn dịch vượt quá 60% dân số thế giới.
Theo ông: “Điều này có thể đạt được theo hai cách: người dân bị ốm và hình thành miễn dịch. Cách này đang diễn ra. Còn cách thứ hai là tiêm chủng. Tiêm chủng có thể làm giảm đáng kể số lượng bệnh nhân và do đó cũng giúp giảm tỷ lệ tử vong”.
Trong lúc nguồn vaccine ngừa Covid-19 chưa sẵn sàng, con người chỉ có một cách duy nhất, đó là tuyệt đối tuân thủ các quy tắc an toàn vệ sinh dịch tễ như đeo khẩu trang, làm việc từ xa nếu có thể, ngừng giáo dục toàn thời gian… Đây là những biện pháp thực sự hạn chế sự tiếp xúc giữa mọi người và do đó làm chậm sự phát triển của đại dịch, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, Giáo sư Virus học, Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Moscow (MGU), Alexei Agranovsky nói rằng trong cuộc chiến chống corona virus, không chỉ yếu tố dịch tễ học là quan trọng, mà yếu tố tâm lý cũng tác động không nhỏ.
Chuyên gia này cho rằng: “Sự lạc quan giúp truyền cảm hứng tốt tới mọi người, khiến cho bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào cũng dần suy yếu, đây là tính chất tự nhiên của nó. Thứ hai, việc tiêm chủng đang trong quá trình hoặc đã bắt đầu, có nhiều loại vaccine, và theo những dữ liệu sơ bộ, chúng đều có tác dụng. Thứ ba, sự lo lắng hiện nay trong xã hội, không phải là bất biến”.
Chuyên gia của MGU kết luận: “Mọi thứ chắc chắn sẽ ổn, và chúng ta phải học cách sống chung với dịch bệnh, cư xử có lý trí, cũng như tuân thủ các biện pháp được khuyến cáo”.