Đặc sắc Lễ hội té nước cầu may, cầu an ở Thái-lan

NDO -

NDĐT- Tết cổ truyền của Thái-lan có tên gọi Songkhran bắt đầu vào ngày 13-4 hằng năm. Năm nay, người dân Thái-lan đón Tết trong tâm trạng lo ngại nguy cơ xảy ra đối đầu bạo lực giữa những nhóm chống và ủng hộ Chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng chính trị vẫn chưa có lối thoát.

Du khách hào hứng tham gia lễ hội té nước trên phố Khao San.
Du khách hào hứng tham gia lễ hội té nước trên phố Khao San.

Ngày Tết có hai phần lễ và hội, tiêu biểu là hội té nước, mang tính cộng đồng nhiều hơn so với Tết Việt thường hướng về gia đình.

Từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa “lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”, bắc bán cầu chuyển sang mùa hè, mưa bắt đầu rơi xuống nhiều nước vùng Đông - Nam Á và Nam Á. Songkhran đánh dấu thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở đất nước có hai mùa mưa nắng. Sau những ngày này, gió mùa tây nam bắt đầu thổi mạnh từ vịnh Thái-lan, biển Andaman và Ấn Độ Đương kéo theo mây mưa đổ xuống, một vùng đất rộng lớn sau sáu tháng mùa khô.

Đường phố Thủ đô Bangkok sáng đầu năm mới quang đãng, ít xe qua lại, không có cảnh tắc đường như ngày thường. Từ một hai hôm trước, nhiều người ở các tỉnh làm ăn, công tác tại Bangkok đã về quê cùng gia đình dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống cúng lễ đầu năm.

Công viên Lumpini ngày Tết năm nay khác hẳn mọi năm. Đây là “cứ điểm” mới nhất của thủ lĩnh cuộc biểu tình chống Chính phủ, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, sau hơn năm tháng dẫn đầu cuộc biểu tình ở Thủ đô với những “chiến thuật” khác nhau và “sự thăng trầm” về quy mô nhằm lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, mở đường cho việc lập “hội đồng nhân dân” bằng con đường phi dân chủ, loại bỏ vĩnh viễn gia đình dòng họ Shinawatra khỏi sân khấu chính trị Thái-lan và vạch kế hoạch cải cách theo ý họ.

Ngày đầu năm mới, lều trại của người biểu tình vẫn dựng la liệt tại đây, tuy nhiên căng thẳng chính trị đã tạm lắng. Những bài diễn thuyết chống Chính phủ được thay bằng những bản nhạc vui nhộn mừng năm mới. Nơi đây vẫn có hàng nghìn người tụ tập nhưng theo thông báo, cuộc biểu tình sẽ tạm ngừng trong bốn ngày, “nhường chỗ” cho các hoạt động đón Tết.

Đặc sắc Lễ hội té nước cầu may, cầu an ở Thái-lan ảnh 1

Bôi nước bột mì lên mặt nhằm trừ tà và chúc may mắn.

Ở cổng vào, người ta bôi bột mì lên người, lên mặt hoặc hòa vào nước để té nhau, coi đây là một cách trừ tà ma kết hợp mang lại may mắn. Tuy nhiên, ở đây không có cảnh bắn súng phun nước thường thấy trong ngày đầu năm. Có lẽ mọi thứ liên tưởng tới vũ khí đã trở thành nỗi lo ngại ở nơi này cho dù chỉ là món đồ chơi.

Để tận hưởng không khí vui Tết thoải mái nhất ở Bangkok, không đâu bằng tới con phố Khao San, địa điểm tập trung đông khách du lịch “ba lô” nước ngoài. Mọi người đổ về đây đông nghịt, tạo thành những dòng người nườm nượp. Sau nghi lễ diễu hành truyền thống, nhiều người dân hai bên con phố, khách qua đường reo hò, nhảy múa, dùng xô, thùng, súng phun nước để đổ nước, phun nước vào nhau. Chỉ cần bỏ ra từ 50 baht (gần 35 nghìn đồng) đến 350 baht là có thể có trong tay một khẩu súng phun nước lớn, nhỏ khác nhau. Khi bắn cạn, bạn phải mất thêm 35 baht để nạp nước đầy trở lại từ những thùng nước bày bán dọc hai bên con phố. Những túi nilon tránh cho điện thoại, ví tiền bị ướt được bán rất nhiều quanh nơi đây.

Đặc sắc Lễ hội té nước cầu may, cầu an ở Thái-lan ảnh 2

“Nữ chiến binh” duyên dáng ăn mừng “thắng lợi”.

Ngày Tết Songkhran, người ta té nước vào nhau với mong muốn gột rửa hết nỗi buồn phiền trong năm cũ, chúc phúc cho nhau, đón mừng năm mới. Người nào càng được té nhiều nước càng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Khác với không khí tưng bừng, náo nhiệt trong phố Khao San, tại ngôi chùa Chana Songkhram Ratchaworamahawihan gần đó, mọi người thành kính dâng lễ gồm hoa quả, đồ ăn chay và quần áo tới các nhà sư. Những ngày đầu năm, sau khi cúng lễ, họ thường dùng nước thơm để lau chùi chùa, tắm tượng Phật, tỏ lòng thành kính và cầu mong sự may mắn. Ở nhà, các bức ảnh và tượng Phật cũng được lau chùi, tắm bằng nước thơm. “Nước phúc” sau đó được nhẹ nhàng đổ lên vai ông bà, cha mẹ để chúc thọ, chúc phúc.

Phật giáo là quốc giáo ở Thái-lan, nơi hơn 90% dân số theo đạo Phật. Chúc gặp điều tốt lành trong năm mới, ông bà, cha mẹ thường xoa lên đầu con cháu nước thơm từ một chiếc chậu nhỏ bằng bạc được chuẩn bị sẵn có thả các loại hoa thơm.

Ngày Tết, ở những nơi có sông nước, người ta thường ra đó dựng tháp bằng cát. Họ mong rằng, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi và điều tốt đẹp sẽ tới.

Trong số những điều tốt đẹp nhiều người cầu mong chắc có cả một đất nước sớm trở lại bình yên, các thế lực chính trị sớm ngồi vào bàn đàm phán để xung đột nhanh chóng được giải quyết. Và gần nhất là những phán quyết của Tòa án Hiến pháp, của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia liên quan tới tư cách của Thủ tướng Yingluck bảo đảm tính công bằng, để tránh dẫn tới một cuộc nội chiến ở “đất nước nụ cười”.