Đà Nẵng phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập

Hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại Đà Nẵng chiếm tỷ lệ khá lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các trường này không ổn định, ít giáo viên gắn bó lâu dài, việc đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giờ học tô màu tại Trường Sky-line Đà Nẵng.
Giờ học tô màu tại Trường Sky-line Đà Nẵng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, hiện nay, tổng số trường mầm non trên toàn địa bàn là 205 trường. Trong đó, công lập có 69 trường; dân lập một và 135 trường tư thục. Loại hình trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ 65,3 %; số lượng nhóm lớp độc lập tư thục có quy mô từ 8 đến 50 trẻ đã được cấp phép thành lập phát triển mạnh với 705 nhóm; nhóm dưới bảy trẻ 407 nhóm. So với dân số trong độ tuổi, việc huy động trẻ ra lớp năm học 2016-2017 có nhiều chuyển biến tốt, trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 57,3%, trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 96%; trẻ năm tuổi đạt tỷ lệ 99,8%.

Tất cả 136 trường mầm non tư thục và hơn 105 nhóm, lớp mầm non tư thục đã trang bị hệ thống ca-mê-ra tại các nhóm, lớp và bếp ăn để thường xuyên kết nối, tương tác với phụ huynh. Nhiều trường, nhóm lớp đã tổ chức được các chương trình học tập, tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số cơ sở chất lượng tốt tại các đô thị lớn trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mang lại niềm tin cho phụ huynh.

Tuy vậy, tại Đà Nẵng, một số cơ sở chưa được cấp phép hoạt động, không ít cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vui chơi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Bên cạnh đó, nhiều nhóm trẻ đã tự dạy chữ cho trẻ năm tuổi, việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế…

Một số chủ nhóm lớp và cô nuôi chỉ qua đào tạo ngắn ngày, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chất lượng giáo dục chưa cao, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là chủ yếu.

Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ giáo viên các trường mầm non tư thục không ổn định, thay đổi thường xuyên nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Trường mầm non tư thục Hồng Minh phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà được thành lập cách đây 23 năm. Đây là một trong những trường mầm non tư thục đầu tiên trên địa bàn nhưng hiện đang thiếu giáo viên trầm trọng khi không thể giữ chân những cô giáo yêu nghề và đã có quá trình công tác, gắn bó.

Chia sẻ về khó khăn, cô giáo Phạm Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách đây một tháng, một hiệu phó đã xin ra trường công lập, vậy là trường khuyết vị trí phó hiệu trưởng. Mặc dù mức lương không thấp, nhưng tâm lý làm việc ở trường tư không ổn định đã ảnh hưởng đến quyết định của giáo viên. “Có người nộp đơn, nài nỉ xin vào bằng được nhưng chỉ đến làm việc hơn một tuần, vài tháng, lại xin nghỉ.

Đó là chưa kể đến việc các cô phải tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của trường tổ chức cho các em. Nhiều giáo viên sẵn sàng nghỉ việc giữa chừng khiến việc tổ chức dạy, học của trường bị ảnh hưởng rất lớn. Trường liên tục đăng tin tuyển giáo viên nhưng hiện nay vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Cũng theo cô Minh, mức lương hiện tại mà nhà trường trả cho giáo viên từ 3,8 đến 7 triệu đồng/người, có tất cả các chế độ bảo hiểm, y tế, phụ cấp thâm niên, nhưng vẫn không thể “hút” bằng các trường công.

Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Việt Nam chất lượng cao Sky-Line Lê Thị Nam Phương khẳng định, việc tuyển giáo viên của nhà trường được thực hiện khắt khe với yêu cầu, đòi hỏi cao cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp và tình yêu với trẻ. Nhiều sinh viên năm cuối thực tập tại trường được tham gia thi tuyển và trúng tuyển. Tuy nhiên, để có được đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu, nhà trường phải bồi dưỡng, đào tạo rất nhiều. “Xã hội hóa giáo dục phù hợp với xu thế xã hội, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong đầu tư hệ thống trường ngoài công lập đã gỡ khó rất nhiều cho hệ thống giáo dục công lập hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại, một số chính sách chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp thật sự tiếp cận được các nguồn hỗ trợ phù hợp như về thuế, quy hoạch đất đai. Đặc biệt là quy hoạch đất ở khu vực trung tâm để đầu tư, xây dựng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh ở khu vực trung tâm” - cô Phương bày tỏ.

Nhằm từng bước ổn định hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể như ban hành quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề, y tế, công bố quy hoạch quỹ đất. Hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án quy hoạch trường, lớp, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Cùng với việc tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập, địa phương đang triển khai Đề án Sữa học đường cho trẻ mầm non…

Nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập tại Đà Nẵng cho rằng, trước mắt cần có quy định tăng thêm định mức giáo viên/lớp đối với các trường đặt trên địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung, giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng.